(HNM) - Thực hiện cam kết của Tổng thống Barack Obama giảm bớt số lượng và vai trò của vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí, ngày 25-10, tại bang Texas (Mỹ) đã chính thức phá hủy quả bom cuối cùng của thời Chiến tranh lạnh, một trong số bom nguyên tử mạnh nhất mà Washington sở hữu.
Có mặt trong phiên chế quân đội Mỹ từ năm 1962, B-53 là loại vũ khí hạt nhân nóng ở cấp độ cao được Mỹ phát triển trong Chiến tranh lạnh. Có sức công phá tương đương 9 megatons thuốc nổ TNT, B-53 là quả bom hạt nhân mạnh nhất trong kho vũ khí của Mỹ sau khi bom B-41 bị phá hủy. Dài 3,81m, đường kính 1,27m, nặng 4.010kg được thiết kế với đầu hình nón bằng nhôm, bom B-53 mang đầu đạn hạt nhân được chế tạo từ uranium làm giàu ở cấp độ cao thay vì plutonium. Các nhà vũ khí nhiệt hạch cho rằng, B-53 mạnh gấp 600 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima hồi cuối Thế chiến thứ II.
Bom B-53 được thiết kế để phá hủy các cơ sở nằm sâu dưới lòng đất và sử dụng sức ép từ vụ nổ trên bề mặt, gây sóng xung chấn mạnh qua lớp đất để phá hủy mục tiêu. Khi B-53 được kích hoạt, một quả cầu lửa khổng lồ sẽ bao trùm khu vực rộng lớn có đường kính xấp xỉ 4km đến 5km. Sức nóng của bom sẽ lập tức đốt cháy bất kỳ người nào không được bảo vệ trong bán kính 28,7km. Sức công phá của bom cũng ngay lập tức đánh sập phần lớn nhà cửa, các công trình công nghiệp trong bán kính 14,9km. Trong bán kính 5,7km, tỷ lệ phá hủy và tử thương là 100%. Con số này sẽ giảm dần ở khoảng cách xa hơn.
Việc phát triển loại vũ khí hủy diệt mạnh bậc nhất của Mỹ bắt đầu vào năm 1955 tại Phòng thí nghiệm khoa học Los Alamos, dựa trên nguyên lý của bom Mk 21 và Mk 46 trước đó. Vào tháng 3-1958, không quân Mỹ yêu cầu một loại bom lớp C mới để thay thế bom Mk 41. Do đó, phiên bản mới của Mk 46 đã ra mắt vào năm 1959 với tên gọi Mk-53. Việc sản xuất chính thức được bắt đầu vào năm 1962 cho đến tháng 6-1965 để cho ra lò 340 quả bom có sức công phá khủng khiếp. Mk-53 có thể phù hợp với các loại máy bay ném bom B-47 Stratojet, B-52 Stratofortress và B-58 Hustler. Từ năm 1968, Mk-53 được thay đổi một số thiết kế và mang tên B-53.
Một số phiên bản đầu tiên của loại bom hạt nhân này đã bị phá hủy vào năm 1967. Tuy nhiên, khoảng 50 quả B-53 và 54 quả có đầu đạn Titan vẫn còn trong phiên chế qua năm 1980. Sau khi một tên lửa mang đầu đạn W-53 phát nổ tại Arkansas thì những đầu đạn Titan còn lại được tuyên bố nghỉ hưu. Theo dự tính, B-53 sẽ không còn hoạt động vào những năm 1980 nhưng trên thực tế 50 đơn vị bom này vẫn được lưu kho cho đến năm 1997. Chương trình phá dỡ loại bom nguyên tử hủy diệt lớn đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng quá trình này đã bị chậm trễ do vấn đề an toàn cũng như thiếu một số nguồn lực cần thiết. Do được sản xuất bằng công nghệ cũ, các kỹ sư phải chế tạo những dụng cụ phức tạp để tháo dỡ bom một cách an toàn. Uranium từ các quả bom đã phá hủy cũng như quả bom B-53 cuối cùng sẽ được chứa trong một kho tạm và sau đó sẽ qua một quá trình xử lý từ khử trùng đến tái chế và loại bỏ hoàn toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.