Theo dõi Báo Hànộimới trên

PVN xây dựng lộ trình thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành

L.H| 17/09/2012 12:51

(HNMO) – Những lĩnh vực Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn…


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo: Việc thoái vốn của PVN cần thực hiện bảo đảm hiệu quả thu hồi vốn cao nhất và có phương án cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

Ý kiến chỉ đạo PVN phải xây dựng lộ trình thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong cuộc họp diễn ra ngày 16-8-2012 của Thường trực Chính phủ về Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015.


Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn bao gồm 5 lĩnh vực chính là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Lọc - hóa dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Không duy trì Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn cần có phương án xử lý cụ thể, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV, thu gọn đầu mối để tổ chức, hoạt động trong Tập đoàn để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, tránh trùng lắp, cạnh tranh nội bộ.

Bên cạnh đó Tập đoàn cần duy trì Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP và Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau; Thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau khi có đủ điều kiện.

Ngoài ra là tách bạch hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa các công trình dầu khí trên bờ và trên biển để có điều kiện chuyên môn hóa sâu. Trước mắt, việc bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí đảm nhiệm; về lâu dài, nghiên cứu tập trung vào một đầu mối việc bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí trên bờ và trung tu, đại tu các nhà máy điện để hợp lý nguồn nhân lực kỹ thuật, tránh trùng lắp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và giảm chi phí vận hành.

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Tập đoàn về phương án sắp xếp đối với 3 nhà máy nhiên liệu sinh học, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo và tỷ lệ vốn Tập đoàn nắm giữ tại Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí PVI tối đa không quá 35%. Các tổng công ty, công ty do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ không tổ chức hội đồng thành viên. Tập đoàn sắp xếp cơ cấu quản lý, áp dụng mô hình Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty, trong tháng 9-2012 báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu PVN hoàn chỉnh Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn, báo cáo Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9/2012. Tái cơ cấu Tập đoàn là để phát huy được những thế mạnh, thành tựu đã có; khắc phục những hạn chế, yếu kém để Tập đoàn phát triển nhanh và bền vững hơn, thực hiện tốt hơn vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
PVN xây dựng lộ trình thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.