Tiền thân của Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) từ việc tiếp quản Nha Chuyển vận Phân phối sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975. Ngày 15-9-1976 Sở Quản lý Truyền tải điện trực thuộc Công ty Điện lực Miền Nam được thành lập.
Lưới điện miền Nam lúc bấy giờ hành thành ở 03 khu vực riêng biệt là Miền Đông, Miền Tây và Cao Nguyên, với 800 km đường dây, 29 trạm biến áp với tổng dung lượng là 600 MVA. Lực lượng quản lý vận hành có 649 CB CNV, trong đó có 32 kỹ sư, 48 trung cấp. Trong giai đoạn 1976-1984, nhiều công trình trọng điểm mang ý nghĩa lớn đã được Sở Quản lý Truyền tải điện thực hiện như Phục hồi đường dây 230 kV Đa Nhim – Sài Gòn; Phục hồi 02 máy bù và giàn tụ điện tĩnh với công suất 70MVAr tại trạm biến áp Sài Gòn (năm 1978)...
40 năm qua, PTC4 luôn bảo đảm truyền tải đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và an ninh quốc phòng các tỉnh, thành phố phía Nam, với mức tăng trưởng bình quân 9,1%/năm. Từ năm 2008 đến 2015 PTC4 đã truyền tải trên 420,4 tỷ kWh điện. Lượng điện truyền tải hàng năm luôn chiếm trên 50% lượng điện truyền tải chung của hệ thống truyền tải điện Quốc gia.
Sản lượng điện truyền tải ngày càng tăng, khối lượng đường dây và trạm ngày càng nhiều nhưng tổn thất điện của Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) ngày càng giảm, năm 2008 tỉ lệ tổn thất điện năng trên lưới 220kV là 1,61%, thì đến năm 2015 chỉ còn 1,03%, như vậy trong giai đoạn từ 2008 đến 2015 tỉ lệ tổn thất điện năng giảm 0,58%, tương ứng với tỉ lệ giảm bình quân hàng năm là 0,083%, đã tiết kiệm được 960 triệu kWh điện, tính theo giá điện bình quân các năm, đã làm lợi cho cho Nhà nước hơn 1.138,4 tỷ đồng.
Từ năm 2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, PTC4 luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm tránh lãng phí góp phần hạ thấp giá thành truyền tải, là một trong những đơn vị luôn có giá thành truyền tải (đồng/kWh) thấp nhất trong lĩnh vực truyền tải. Đặc biệt, công tác vận hành an toàn, suất sự cố của PTC4 liên tục giảm. Tám tháng đầu năm 2016, tổng số vụ sự cố đã giảm 42,55% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: sự cố đường dây giảm 69,23% và sự cố trạm biến áp giảm 9,52%.
Với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dự án kiêm nhiệm, giai đoạn từ năm 2008-2015, PTC4 đã thực hiện khối lượng đầu tư 3.192,95 tỷ đồng, các dự án đều được đưa vào đúng và vượt tiến độ đã phát huy hiệu quả cao trong việc bảo đảm cung cấp điện cho Miền Nam. Đơn cử, công trình “Tăng cường công suất trạm biến áp 220kV Long Thành - Lắp đặt MBA 250MVA” năm 2010, hoàn tất đóng điện trong 12 ngày, hoàn tất sớm hơn 8 tháng so với kế hoạch, làm lợi cho EVN khoảng 900 tỷ đồng; công trình “Thay MBA 220kV - 250MVA trạm biến áp 220kV Long An” năm 2011, hoàn tất sớm hơn 1,5 tháng so với kế hoạch,tạo mối liên kết hệ thống mạnh giữa các vùng trong hệ thống điện miền Nam, làm lợi cho EVN khoảng 100 tỉ đồng; phối hợp với các đơn vị bạn hoàn tất công tác nâng cấp các bộ tụ bù dọc trên 2 đường dây 500 kV Pleiku đến Phú Lâm (Pleiku – ĐăkNông – Phú Lâm và Pleiku – Di Linh – Tân Định – Phú Lâm) năm 2012, từ 1000A lên 2000A đã tăng cường khả năng tải điện cho miền Nam, bảo đảm cung cấp điện cho TP.HCM.
Dự án hoàn thành vượt tiến độ làm lợi cho EVN 15 tỷ đồng; công trình “Thay MBT 500kV (AT1, AT2) – 2 x 450 MVA trạm biến áp Phú Lâm lên 2 x 900 MVA”, năm 2014, việc hoàn thành công trình góp phần quan trọng đảm bảo đáp ứng sự phát triển phụ tải cho khu vực Tp. Hồ Chí Minh và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực; công trình “Nâng công suất trạm biến áp 500kV Ô Môn” năm 2015, hoàn tất sớm hơn 37 ngày so với kế hoạch, đã làm lợi cho EVN khoảng 54 tỷ đồng, giá trị làm lợi này chưa tính đến hiệu quả khi hạn chế tối đa việc huy động nguồn công suất nhiệt điện chạy dầu.
Bên cạnh đó, PTC4 tích cực phối hợp cùng các Ban quản lý dự án trong việc chuẩn bị sản xuất, lắp đặt, nghiệm thu đóng điện, xử lý tồn tại và đưa vào vận hành nhiều dự án đầu tư mới đúng tiến độ, đặc biệt như Đường dây 200kV Đắc Nông- Phước Long-Bình Long, Đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước- Cầu Bông...góp phần vào mục tiêu cung cấp đủ điện cho Miền Nam.
Nhằm đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo điện phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện triển khai thị trường điện, PTC4 đang đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng trong tất cả các mặt hoạt động, theo đó, từng bước sắp xếp lại bộ máy quản lý để phù hợp với quy mô sản xuất ngày càng phát triển, việc chia tách, thành lập 06 Truyền tải điện khu vực, mạnh dạn phân cấp quản lý cho các đơn vị trực thuộc đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động phát huy nội lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy quản lý, PTC4 luôn bảo đảm quản lý vận hành lưới điện an toàn liên tục, các truyền tải điện khu vực mới thành lập đã từng bước ổn định tổ chức và lớn mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Mười năm sau ngày tiếp quản Nha Chuyển vận Phân phối từ chế độ cũ, lưới điện truyền tải miền Nam đã vươn đến 13 tỉnh, thành phố phía Nam, với tổng số 925,13km đường dây, 29 trạm biến áp với tổng công suất là 614,5 MVA, lực lượng lao động lúc bấy giờ có tổng số 494 người, giảm 155 người so với năm 1976. Từ năm 1985 đến 1994, lưới điện truyền tải đã bước đầu có sự phát triển, lưới điện Miền Đông – Miền Tây được chính thức kết nối ở cấp 220kV và Nhà máy thủy điện Trị An được đưa vào vận hành vào năm 1988, Sở Truyền tải điện đã tiến hành thực hiện các công trình tăng cường công suất trạm biến áp 220KV Long Bình, kéo dây mạch 2 đường dây 66kV Sài Gòn – Đồng Nai trong điều kiện mạch 1 đang vận hành, tự thiết kế, thi công trạm biến áp 220 kV Cai Lậy, Bảo Lộc,... đặc biệt năm 1994, Sở thực hiện chuẩn bị sản xuất, tiếp nhận và đưa vào vận hành 496km đường dây 500kV từ Pleiku đến Phú Lâm và trạm biến áp 500kV Phú Lâm. Trong giai đoạn này Sở Truyền tải điện được Đảng và Nhà nước ghi nhận thành tích, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985) và Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1991).
Ngày 1-4-1995, Công ty Truyền tải điện 4 trực thuộc Tổng Công ty điện lực Việt Nam được thành lập trên cơ sở cơ cấu tổ chức của Sở Truyền tải điện, lưới điện truyền tải đã có cấp điện áp từ 66kV đến 500kV và hiện diện trên địa bàn 21 tỉnh thành phố phía Nam, khối lượng quản lý bao gồm 2.910,81 km đường dây, tăng gấp 3,15 lần so với năm 1985, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 1985-1995 đạt 31,5% /năm, đã có đến 51 trạm biến áp với tổng công suất là 3.334,8 MVA, tăng gấp 5,42 lần so với năm 1985, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 1985-1995 đạt 54,2%/năm. Lực lượng lao động lúc này tăng 1,58 lần, chất lượng lao động, kỹ năng tay nghề đã tăng gấp nhiều lần so với năm 1985. |
Trong giai đoạn từ 1995-2008, việc phát triển ứng dụng công nghệ mới trong vận hành lưới điện truyền tải trong gian đoạn này đã được đẩy mạnh, bắt đầu ứng dụng công nghệ sửa chữa điện nóng trong công tác quản lý vận hành đường dây 220kV; lần đầu tiên sử dụng công nghệ điều khiển tích hợp cho trạm biến áp tại Miền Nam; Tiếp nhận vận hành và làm chủ công nghệ GIS (Gas Insulated Substation) trong công tác quản lý vận hành trạm biến áp…. Trong giai đoạn này Công ty được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2003; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2006.
Ngày 1-7-2008, Công ty Truyền tải điện 4 trực thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia được thành lập, tính đến 30-6-2016 Công ty quản lý vận hành 6.007 km đường dây (trong đó có 1.683,42 km đường dây 500kV), tăng gấp 1,58 lần so với 01/07/2008, tốc độ tăng bình quân 19,78% /năm; 44 trạm biến áp (trong đó có 9 trạm 500kV) với tổng công suất là 27.265 MVA, dung lượng trạm biến áp tăng gấp 2,26 lần so với 01/07/2008, tốc độ tăng bình quân 28,21%/năm; Tổng số CB CNV là 2.169 người (tăng 5,5% so với 07/2008) trong đó có 241 đảng viên, 2.143 đoàn viên Công đoàn và 553 đoàn viên thanh niên; số thạc sỹ, kỹ sư,cử nhân tăng gấp 1,51 lần so với 15-7-2008. |
Giám đốc PTC4 Võ Đình Thủy cho biết, PTC4 đang nỗ lực triển khai giai đoạn 2 của Đề án đổi mới doanh nghiệp với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kiện toàn mô hình tổ chức, hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản lý nội bộ phù hợp với qui chế, qui định liên quan của EVN, EVNNPT; đẩy mạnh công tác đào tạo chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện các hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị nhằm đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các trạm biến áp không người trực, bán người trực và các trung tâm điều khiển từ xa. Bảo đảm đến năm 2020 chuyển tối thiểu 60% trạm biến áp vận hành theo tiêu chí không người trực. Đây là một công tác quan trọng tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động của Công ty đến năm 2020. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong đó phát huy hiệu quả các phần mềm dùng chung, đồng thời phát triển các phần mềm quản lý mới nhằm phục vụ tốt công tác nâng cao năng lực quản trị, chất lượng trong các mặt quản lý…đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển của EVNNPT là phấn đấu vươn lên hàng đầu của Châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.