Đô thị

Sau nắng nóng gay gắt, Hà Nội mưa to do hoàn lưu bão Wipha

Bảo Châu 18/07/2025 - 19:01

Ảnh hưởng của bão Wipha, thời tiết Hà Nội mưa to, có nơi rất to từ đêm 21 đến ngày 22-7. Trước đó, Hà Nội tiếp tục nắng nóng diện rộng, nhiệt độ cao nhất 38 độ C.

ha-noi-nang-12-.jpg
Thời tiết Hà Nội tiếp tục nắng nóng trong ngày 19-7. Ảnh: Bảo Châu

Đài Khí tượng thủy văn Bắc Bộ cho biết, trưa và chiều 18-7, thời tiết Hà Nội nắng nóng trên diện rộng; nhiệt độ lúc 13h đo tại Trạm khí tượng Hà Đông, Ba Vì là 36 độ C, Láng 35,6 độ C, Sơn Tây 35,6 độ C.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp phía Tây nên ngày 19-7, thời tiết Hà Nội tiếp tục nắng nóng diện rộng; nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, riêng khu vực trung tâm thành phố 36-38 độ C; độ ẩm trong không khí ở mức tương đối thấp, 50-55%.

Cơ quan trên lưu ý, nhiệt độ trong các bản tin nắng nóng và cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như: Bê tông, nhựa, kính... Đáng chú ý, chiều tối 19-7, Hà Nội có thể xuất hiện mưa dông, kèm lốc, sét, gió giật mạnh...

Từ ngày 20-7, nắng nóng kết thúc. Ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu bão số 3 (Wipha) nên đêm 21 và ngày 22-7, Hà Nội có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.

Trước diễn biến bão Wipha và việc các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang mở cửa xả lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, kịp thời thông báo đến chính quyền cơ sở, người dân, các tổ chức hoạt động ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, bến đò… để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Các địa phương rà soát, kiểm tra khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án khơi thông dòng chảy, tổ chức sơ tán dân khi cần thiết; đồng thời, bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, điểm ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại khi không bảo đảm an toàn.

Các xã, phường ven đê khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều; kiểm tra phương án hộ đê, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Các doanh nghiệp thủy lợi, thoát nước chủ động phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất, khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp.

Cùng nhiệm vụ trên, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết, phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất… để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.