Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội nâng tầm giá trị cây sen

Quỳnh Dung 11/07/2025 - 18:17

Chiều 11-7, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại kiểm tra mô hình "Sản xuất hoa sen gắn với xây dựng nhãn hiệu và phát triển du lịch tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long" tại xã Chuyên Mỹ (Hà Nội).

sen.jpg
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tham quan thực tế tại mô hình trồng sen ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Hương Giang

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường tham quan thực tế mô hình của hộ bà Nguyễn Thị Toàn ở thôn Ngọ, quy mô gần 10ha. Mô hình đang phát huy hiệu quả từ việc làm chè sen tươi, với giá bán từ 25.000 đến 40.000/bông.

“Trồng sen để thu lấy hoa tươi làm chè sen cho hiệu quả hơn trồng sen lấy hạt, nên gia đình tôi xác định hướng làm kinh tế lâu dài từ cây sen và chè sen. Mong muốn của gia đình tôi là tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm chè sen vươn ra thị trường quốc tế”, bà Nguyễn Thị Toàn chia sẻ.

sen-chuyen-my.jpg
sen-chuyen-my-1.jpg
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tham quan thực tế mô hình của hộ bà Nguyễn Thị Toàn ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Hương Giảng

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thực hiện chủ trương của trung ương và thành phố Hà Nội về phát triển nông nghiệp sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, những năm gần đây, Trung tâm đã xây dựng mô hình sản xuất hoa sen giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, quy mô 59,5ha với 23 hộ tham gia mô hình. Các giống sen thực hiện tại mô hình, gồm: Bách diệp, Super, Quan âm, Mặt bằng.

Các mô hình này cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cụ thể, đối với sen lấy hoa (Bách diệp, Super…) cho thu nhập từ 320 đến 360 triệu đồng/ha (trong thời gian 3 tháng); đối với sen lấy hạt (Mặt bằng) cho thu nhập từ 175 đến 210 triệu đồng/ha.

Bên cạnh bán hoa tươi, hoa sen còn dùng để trang trí, làm trà sen. Đối với trà sen, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 60.000 đồng/bông. Ngoài ra, hạt sen có thể dùng để nấu chè, sấy khô làm mứt, chế biến dược liệu. Lá sen dùng để gói thực phẩm, làm trà, dược liệu. Củ sen dùng làm thực phẩm. Cọng lá, cọng hoa, cọng gương của cây sen được sản xuất tơ sen.

sen-thanh-oai.jpg
Hà Nội có rất nhiều vùng trồng sen kết hợp với phát triển du lịch sinh thái cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hùng Anh

Đánh giá về mô hình trồng sen, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, sản phẩm được chế biến từ cây sen rất đa dạng, ngày càng được nghiên cứu, chế biến theo cách tiếp cận mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, trên địa bàn thành phố ngày càng có nhiều mô hình trồng sen gắn với các loại hình du lịch sinh thái, như: Chụp ảnh lưu niệm, ẩm thực, làm trà sen và nhiều sản phẩm từ sen khác. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách tham quan, checkin, chụp ảnh... Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt, với đôi tay tài khéo của các nghệ nhân, doanh nhân, cây sen đã trở thành nguyên liệu chính để làm nên nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình, đưa các giống sen mới, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Qua đó, phát huy hết lợi thế, mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, nâng giá trị cho cây sen, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Sở cũng xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP của Hà Nội, kích cầu du lịch, góp phần xây dựng Thủ đô xanh, sinh thái, giàu bản sắc...