Hà Nội chú trọng đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ngày 23-4 ký ban hành Kế hoạch số 316-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 10-7-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nêu rõ mục đích nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TƯ, Hướng dẫn số 167-HD/BTGTƯ và các văn bản của Trung ương, của thành phố có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Trong đó, thành phố xác định nông dân tiếp tục là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị bám sát nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 37-CT/TƯ và Hướng dẫn số 167-HD/BTGTƯ, Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy và căn cứ tình hình thực tế địa phương đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện hiệu quả việc đổi mới công tác đào tạo nghề; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TƯ và Hướng dẫn số 167-HD/BTGTƯ phải đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ; phát huy trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn.
Kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vai trò lãnh đạo trong đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, quan điểm, mục tiêu, chính sách đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo bền vững.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân. Đặc biệt là tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.
Toàn văn kế hoạch xem tại đây ke-hoach-316.pdf.