Ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 18 tỷ USD
Mới đây, Hoa Kỳ dự kiến áp mức thuế với hàng hoá Việt Nam xuất sang thị trường này khá cao. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất nước ta. Dù nhiều khó khăn, song ngành hàng gỗ đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp, bảo đảm giá trị xuất khẩu đạt 18 tỷ USD trong năm nay như mục tiêu đề ra.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%, tiếp đến là Nhật Bản 13,2% và Trung Quốc chiếm 10,6% thị phần.
Đánh giá về xuất khẩu gỗ trong quý I-2025, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài cho biết, trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ sang một số thị trường đã ghi nhận sự tăng trưởng khá lớn. Cụ thể, thống kê 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,5%, thị trường Nhật Bản tăng 21%, thị trường Trung Quốc giảm 15,2%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất ở thị trường Ấn Độ với mức tăng 95,9% và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan với mức giảm 45,1%.
Sự tăng trưởng ở nhiều thị trường đang dần mở ra cơ hội cho ngành gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, đến nay, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng mà còn nhờ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững. Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung ứng đồ gỗ, nội thất hàng đầu thế giới. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đa dạng về mẫu mã, được các thị trường ưa chuộng.
Đáng chú ý, những cảnh báo vốn là lo ngại của ngành gỗ, đến nay, đã cơ bản được khắc phục. Các nghị định, thông tư, quy định đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành đầy đủ để phù hợp với quy định quốc tế đối với gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển gắn với tăng trưởng xanh, phát thải thấp, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam đang chuẩn hóa chất lượng, đạt các tiêu chuẩn quốc tế, như: Luật Lacy (Mỹ), Luật Chống khai thác gỗ bất hợp pháp (Australia), Luật Gỗ sạch (Nhật Bản), Luật Sử dụng gỗ bền vững (Hàn Quốc) và các quy định của Liên minh châu Âu về chống mất rừng…
Chủ động với bài toán tăng thuế
Mặc dù đã khắc phục cơ bản các hạn chế và Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam, nhưng việc tăng mức thuế nhập khẩu như dự kiến chắc chắn sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Theo Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt Nguyễn Thanh Lam, thị trường Hoa Kỳ đang chiếm 50% doanh thu của doanh nghiệp. Công ty cũng đã nhận đơn hàng đến hết tháng 9, trong đó có khách hàng đến hết quý II, có khách hàng đến hết quý III-2025.
“Doanh nghiệp cũng đã đàm phán với đối tác, cùng thống nhất rủi ro và cùng chia sẻ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang hướng đến xuất khẩu trực tuyến, bớt khâu trung gian. Dự kiến, trong tháng 4 này, sẽ có 3 container hàng được xuất khẩu và triển khai bán trên sàn thương mại điện tử Amazon”, ông Nguyễn Thanh Lam thông tin.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp gỗ cần xây dựng bài toán thị trường xuất khẩu một cách linh hoạt, bám sát những biến động về chính trị tác động đến từng thị trường để có phương án xuất khẩu ổn định, giảm rủi ro.
Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài cho biết, mặc dù thị trường tiếp nhận sản phẩm gỗ của Việt Nam tương đối ổn định, song chưa thật sự đa dạng. Về lâu dài có thể dẫn đến những tác động không tốt, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp...
Còn theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Phùng Quốc Mẫn, Hiệp hội đã khảo sát ý kiến của 50 doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, 52% doanh nghiệp có thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, chiếm hơn 50% doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp. Do đó, trong ngắn hạn, việc áp thuế đối ứng của Mỹ có thể ngay lập tức làm giảm số lượng đơn hàng và ngừng nhận đơn đặt hàng từ khách hàng. Nhiều khách hàng đã thông báo ngừng đặt hàng hoặc yêu cầu hoãn giao hàng, gây gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng…
Trong khi đó, Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) Võ Quang Hà nhấn mạnh, ngành gỗ cần trang bị tư duy mới để thích ứng với những khó khăn trước mắt. Đi song song "hai chân" cả thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời định vị lại thị trường, sản phẩm, nguồn nguyên liệu là việc cần làm lúc này.
Hiện Chính phủ hai nước đang có những đàm phán để tháo gỡ về mặt thuế quan. Song, biến động chính trị và những chính sách về thuế là thách thức để ngành nông lâm sản Việt Nam tái cấu trúc mạnh mẽ từ sản xuất đến thị trường, tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng, như: Nhật Bản, Australia, châu Âu, Trung Quốc, các thị trường mới Trung Đông... Ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025 đạt 18 tỷ USD, hướng đến 25 tỷ USD vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, ngành gỗ cần chủ động các biện pháp ứng phó, điều chỉnh phù hợp để duy trì tăng trưởng. Cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể về sản xuất, thị trường...