OCOP Hà Nội

Làng nghề Hà Nội:Công nhận để bảo tồn và phát triển bền vững

Nguyễn Mai 18/04/2025 - 06:30

Thành phố Hà Nội vừa trao quyết định công nhận 14 làng các danh hiệu Làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống năm 2024. Như vậy, đến nay đã có 337 làng được UBND thành phố công nhận các danh hiệu.

Việc công nhận không đơn thuần là chứng nhận, vinh dự, tự hào với nghề mà còn nhằm xác lập danh tính pháp lý, làm cơ sở để bảo tồn, phát triển nghề và hỗ trợ sản xuất cho các làng nghề.

lang-nghe.jpg
Giới thiệu sản phẩm tại làng nghề đúc đồng Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình).

Vinh dự và tự hào với nghề

Làng Ngũ Xã thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình nổi tiếng là nơi quy tụ thợ đúc đồng tinh hoa của mảnh đất Thăng Long. Nghề đúc đồng Ngũ Xã đóng góp cho di sản nước ta những kiệt tác hoành tráng, nhiều công trình tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc, một số tác phẩm tiêu biểu như: Tượng Trấn Vũ được đặt tại đền Quán Thánh, một trong Tứ trấn của đất Thăng Long - Hà Nội; pho tượng Đức Phật A Di Đà nặng 14 tấn tại chùa Ngũ Xã được Nhà nước công nhận là Tác phẩm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam...

Nối tiếp truyền thống, nghệ nhân Bùi Thị Minh và các con, cháu trong gia đình vẫn gìn giữ, phát huy nghề đúc đồng. Hiện, cả gia đình bà có 4 người được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Năm 2024, thành phố cũng đã công nhận danh hiệu “nghề truyền thống” cho làng Ngũ Xã.

“Đây là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm rất lớn, thôi thúc chúng tôi tiếp tục nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, quảng bá và phát huy nghề truyền thống của làng trước muôn vàn khó khăn bởi nguy cơ mai một”, bà Bùi Thị Minh nói.

Là địa phương vừa được công nhận danh hiệu “làng nghề truyền thống”, Trưởng thôn Giẽ Thượng (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Phương tự hào cho biết, làng có nghề sản xuất giày da thu hút 350 hộ sản xuất với khoảng 1.000 lao động tham gia. Những năm qua, làng nghề phát triển rất mạnh mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình và giúp xã Phú Yên hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...

Ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành lâu đời và giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa khu vực.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, năm 2024, thành phố đã có 3 đợt công nhận các danh hiệu cho 14 làng nghề. Trong đó, làng nghề mộc Vạn An (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây), làng nghề mộc Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), làng nghề may Chung Chản (xã Vân Từ, huyện Phúc Xuyên) được công nhận danh hiệu “làng nghề Hà Nội”. Làng nghề thêu thôn Cổ Chất (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín); làng nghề giày da thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên); làng nghề ướp trà sen Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ) được công nhận danh hiệu "làng nghề truyền thống"… Các nghề: Cốm phố Hàng Than và đúc đồng Ngũ Xã (cùng ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); diều sáo làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng); kim hoàn, đậu bạc làng Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai); cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ)… được công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống” Hà Nội.

Như vậy, tính đến đầu năm 2025, thành phố có hơn 1.350 làng có nghề, trong đó 337 làng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Đây là sự ghi nhận, động viên rất lớn đối với các làng nghề ở Hà Nội. Đó cũng là bước đi đầu tiên nhằm xác lập danh tính pháp lý, làm cơ sở để bảo tồn, phát triển nghề và hỗ trợ sản xuất cho các làng nghề.

Tiếp sức cho làng nghề

Để khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế chính sách như: Khuyến khích thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm làng nghề; hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; phát triển làng nghề kết hợp với du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với các làng nghề truyền thống; khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung; khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội…

Giai đoạn 2025-2030, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; phấn đấu công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển 10 làng từ “làng nghề” lên “làng nghề truyền thống”… Để biến mục tiêu thành hiện thực, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ làng nghề, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Bên cạnh hỗ trợ từ thành phố, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, với các làng nghề đã được công nhận, các địa phương cần tiếp tục duy trì, tôn vinh, gắn kết với phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để hình thành các điểm đến du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Với các làng nghề, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng phát triển sản phẩm bền vững theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, cải tiến mẫu mã, chất lượng; ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh quảng bá… để phát triển hiệu quả hơn.