Văn hóa

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025): Ý Đảng hòa quyện lòng dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mớiBài 5: Bồi đắp văn hóa Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hoàng Lân 24/01/2025 06:35

Cùng với việc gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo khơi thông các nguồn lực văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước đưa văn hóa trở thành động lực phát triển đất nước như quan điểm chỉ đạo của Đảng ta.

Những kết quả đạt được trong 95 năm qua là tiền đề vững chắc để bồi đắp văn hóa Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

le-hoi.jpg
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 thu hút người dân và du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Đỗ Tâm

Con người là trọng tâm của sự phát triển

Có thể nói, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội ban hành nhiều chương trình công tác lớn về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Hà Nội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thủ đô trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo lớn của cả nước, gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Nhiều hoạt động sáng tạo dựa trên nguồn lực di sản tạo sức hút lớn, điển hình như Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2023 thu hút 60.000 người, đến năm 2024 thu hút 300.000 lượt người tham gia. Điều đáng nói, người dân chủ động tham gia các sự kiện này với vai trò chủ thể, cùng sáng tạo thương hiệu văn hóa Hà Nội. Các không gian sáng tạo được hình thành ở nhiều di tích, điểm đến du lịch, góp phần tạo nên sức bật trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, điển hình là mô hình tour đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… Nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch sáng tạo triển khai mạnh ở ngoại thành mang đến sức hút mới cho Hà Nội, điển hình là tuyến: Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên.

Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố đã rà soát, điều chỉnh bổ sung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó tập trung phát triển các trục không gian văn hóa chính: Trục văn hóa sông Hồng, trục văn hóa tam giác trung tâm nội đô - Hồ Tây - Cổ Loa, trục văn hóa trung tâm nội đô - Tây Hồ - Bắc Từ Liêm - Hoài Đức - Phúc Thọ - Quốc Oai - Thạch Thất - Sơn Tây - Ba Vì, trục văn hóa Trung tâm văn hóa nội đô - Hoàng Mai - Thanh Trì - Thanh Oai, Thường Tín - Phú Xuyên; tập trung đầu tư các công trình văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch.

Năm 2024, thành phố được vinh danh là “Điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới”. Tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đã phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2024 ước đạt 27,86 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 6,35 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.

Đến nay, nhiều chỉ tiêu của Chương trình số 06-Ctr/TU đã hoàn thành. Đáng nói, Hà Nội triển khai “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” một cách sáng tạo, tổ chức nhiều phong trào hiệu quả, như “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”; các mô hình văn hóa thiết thực: “Thôn, tổ dân phố thông minh”, “Xây dựng và giữ gìn ngõ phố sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; ban hành tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”; thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang…

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình 06-Ctr/TU, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điểm nhấn nổi bật là Hà Nội luôn lấy phát triển con người làm trọng tâm. “Thành phố không chỉ phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn không ngừng sáng tạo để dần biến nguồn lực văn hóa thành động lực phát triển đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận xét.

Hướng tới kỷ nguyên vươn mình

Theo PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", với những đặc trưng “Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu - thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - nhân dân hạnh phúc”.

Cùng với cả nước, Hà Nội đã và đang nỗ lực phát triển văn hóa một cách toàn diện, trong đó lấy con người là trọng tâm. Cuối năm 2024, tại Hội nghị triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về “hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới”, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng lưu ý rằng, việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, trong đó có xây dựng hệ giá trị người Hà Nội cần được đặt trong bối cảnh kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây là cơ hội lớn để văn hóa Hà Nội chuyển mình.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, khi Việt Nam bước vào giai đoạn vươn mình mạnh mẽ, công tác phát triển văn hóa không chỉ kế thừa và phát huy giá trị truyền thống mà còn phải khẳng định sức sáng tạo, đổi mới và khả năng thích ứng linh hoạt trước những biến đổi nhanh chóng của thời đại. “Đây sẽ là một nền văn hóa mở, đa dạng, có sự hòa quyện giữa các giá trị dân tộc với tinh hoa thế giới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội trong thời đại mới cần hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, lấy giá trị truyền thống làm cốt lõi để đổi mới, sáng tạo trên cơ sở tiếp thu tinh hoa thế giới.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thủ đô Hà Nội không xa rời nhiệm vụ xây dựng và phát triển, bồi đắp văn hóa, con người, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý các địa phương, các cấp, ngành, đơn vị của Thủ đô tăng cường phối hợp chặt chẽ, đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả phát triển công nghiệp văn hóa gắn với việc định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”...

(Còn nữa)