Các nhà khoa học đề xuất 4 nhóm giải pháp đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Sáng 9-1, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội nghị tọa đàm tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu lịch sử đặc biệt
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cho biết, từ thực tiễn đất nước và thế giới, Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước ta bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội nghị tọa đàm là diễn đàn để các trường đại học, cao đẳng đóng góp tiếng nói từ các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên, sinh viên để phân tích, đánh giá khách quan, khoa học, làm rõ các tư tưởng định hướng, từ đó đề xuất giải pháp thông qua 4 nội dung lớn gồm: Đổi mới phương thức lãnh đạo và tổ chức bộ máy; phát triển kinh tế và nguồn lực quốc gia; xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế; chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Về nội dung thứ nhất, hội nghị tọa đàm tập trung vào việc làm rõ vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức quản trị trong các trường đại học, cao đẳng, hướng tới xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực.
Về nội dung thứ hai, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy sáng tạo.
Về nội dung thứ ba, các tham luận tập trung làm rõ mối liên hệ giữa pháp luật, hệ thống chính trị và tính Đảng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Về nội dung thứ tư, các đại biểu tập trung thảo luận vào các giải pháp công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kỷ nguyên mới.
Trên cơ sở những nhóm nội dung trên, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận và làm rõ với 5 nhóm vấn đề gồm: Đi vào kỷ nguyên mới bằng cách nào? Những cản trở nào khi bước vào kỷ nguyên mới? Đòn bẩy để bước vào kỷ nguyên mới là gì? Bước vào kỷ nguyên mới dựa vào sức mạnh nào? Nhân tố quyết định để bước vào kỷ nguyên mới là gì?
Đổi mới để theo kịp sự vận động của thực tiễn
Tham luận tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học sư phạm Hà Nội quan tâm đến vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới gắn với thực tiễn công tác xây dựng Đảng của nhà trường hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, quá trình tổ chức, hoạt động của trường đã bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy; vai trò quản trị và giám sát của Hội đồng trường. Đặc biệt là vai trò quản lý, điều hành, thực thi của Ban giám hiệu và các bộ phận tham mưu giúp việc.
Đảng ủy trường đã chỉ đạo thực hiện tốt từ công tác tuyển dụng, nhận xét, đánh giá cán bộ đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Tất cả các quy trình được thực hiện công khai, dân chủ, đúng luật. Nhà trường hiện có đội ngũ cán bộ tốt về chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết.
Trong khi đó, GS.TS Vũ Văn Yêm, Trưởng ban Tổ chức Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, qua 68 năm xây dựng và phát triển, nhà trường luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi các hướng đi, đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động, thí điểm tự chủ, tinh gọn bộ máy, phù hợp với mô hình thực tiễn trên thế giới.
Đặc biệt, sau giai đoạn 2011-2022, thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế thí điểm tự chủ, tự chủ, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ về chất lượng và hiệu quả hoạt động, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ.
“Có thể khẳng định, chủ trương chuyển đổi mô hình quản trị, xây dựng bộ máy tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới cơ chế hoạt động là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Đây là cơ sở vững chắc, là vấn đề then chốt để các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Đại học Bách Khoa Hà Nội nói riêng hoạt động tự chủ toàn diện”, GS.TS Vũ Văn Yêm nhấn mạnh.
Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội quan tâm đến nội dung xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật bảo đảm “phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” khi chia sẻ tại diễn đàn này.
Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng cho rằng, đất nước chuẩn bị bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị tiếp tục phải được đổi mới để theo kịp sự vận động của thực tiễn, phát huy nguồn lực và động lực để phát triển đất nước.
Trong đó, xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật một cách hiệu quả trên cơ sở định hướng của Đảng chính là tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhằm thực hiện các đột phá chiến lược được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV hiện thực hóa các mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước vào năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, hội nghị tọa đàm là dịp để đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, giảng viên trong Khối phát huy trí tuệ, sự sáng tạo, làm rõ các tư tưởng, định hướng của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Qua đó tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, đồng thuận trong nhân dân, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong cán bộ, đảng viên về ý thức trách nhiệm, xây dựng và phát triển nhà trường, từ đó phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại; góp phần “đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh” trong kỷ nguyên mới.