Hà Nội kết nối

Nhiều thay đổi trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực 2025 do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức

Thanh Tàu 26/12/2024 - 13:43

Từ năm 2025, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh cấu trúc bài thi. Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề ở các năm trước được gộp lại thành tư duy khoa học với 30 câu trắc nghiệm.

7188.jpeg
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2024. Ảnh: Nghiêm Ý

Đây là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ trong Hội nghị thường niên năm 2024 diễn ra ngày 26-12.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Đại học Quốc gia thành phố tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 đợt 1 vào ngày 30-3-2025 và đợt 2 vào ngày 1-6-2025.

Cụ thể, đợt 1 của kỳ thi diễn ra tại 25 địa phương gồm: Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Đợt 2 được tổ chức tại 11 địa phương gồm: Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh.

Cổng đăng ký dự thi đợt 1 được mở từ ngày 20-1-2025 đến ngày 20-2-2025; đợt 2 mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 17-4 đến 7-5. Hội đồng thi sẽ thông báo phiếu đăng ký dự thi cho thí sinh đợt 1 vào ngày 22-3 và đợt 2 vào ngày 24-5. Thí sinh sẽ biết kết quả thi đợt 1 vào ngày 16-4 và đợt 2 vào ngày 16-6.

2929.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: Nghiêm Ý.

Đặc biệt, từ năm 2025, Đại học Quốc gia thành phố điều chỉnh cấu trúc bài thi. Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề ở các năm trước được gộp lại thành tư duy khoa học với 30 câu trắc nghiệm. Câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, từ đó yêu cầu thí sinh vận dụng, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật... Phần sử dụng ngôn ngữ gồm tiếng Việt và tiếng Anh với 60 câu hỏi thay vì 40 câu như trước. Cuối cùng là phần toán học với 30 câu. Tổng cộng, đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Thí sinh làm bài trên giấy trong 150 phút. Điểm của từng câu có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó, tổng điểm là 1.200. Trong đó, tư duy khoa học và toán học mỗi phần 300 điểm, sử dụng ngôn ngữ 600 điểm.

Giải thích về việc thay đổi cấu trúc đề, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết, bài thi nhằm đánh giá năng lực học đại học của thí sinh. Những năng lực được chú trọng là: Đọc, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, toán học, sự logic, tư duy khoa học, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, những điều chỉnh của đề thi đã được nhóm chuyên gia nghiên cứu kỹ, nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đảm bảo công bằng với tất cả thí sinh.

Chương trình mới quy định ngoài ba môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn một số môn khác theo định hướng nghề nghiệp. “Dự kiến ban đầu của Đại học Quốc gia thành phố là cho thí sinh tự chọn nhóm môn để làm bài. Trên lý thuyết, thí sinh có 126 lựa chọn tổ hợp môn, nếu đáp ứng sự chọn lựa của toàn bộ thí sinh, đề thi phải có rất nhiều nhóm môn. Như thế, việc đánh giá khó đồng nhất. Do đó, đại học này điều chỉnh cấu trúc đề thi như hiện nay, tạo cơ hội như nhau cho thí sinh dù các em chọn tổ hợp môn nào ở bậc THPT”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho hay.

Sau 7 năm triển khai, từ 2018 đến 2024, kỳ thi đánh giá năng lực đã trở thành phương thức tuyển sinh đáng tin cậy, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh không chỉ tại Đại học Quốc gia thành phố mà còn ở nhiều trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Năm 2024, kỳ thi đã mở rộng quy mô tổ chức tại 26 tỉnh/thành phố, thu hút gần 107.000 thí sinh tham gia (tăng hơn 21 lần so với năm 2018) và được hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi để xét tuyển.