Làng So vào vụ miến Tết
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, người dân làng So, xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) lại rộn ràng bước vào vụ sản xuất miến dong lớn nhất trong năm.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến miến dong trong làng nghề hoạt động hết công suất để kịp nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Làng So từ lâu đã được biết đến là cái nôi của nghề làm miến dong truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề này vẫn giữ được hương vị đặc trưng, sợi miến mềm mịn, thơm bùi từ tinh bột dong riềng nguyên chất. Người dân làng So cho biết, không ai nhớ rõ nghề này có từ khi nào, chỉ biết rằng từ thời ông cha, những tấm phên tre đã gắn bó với từng mẻ miến dẻo dai được phơi trên khắp sân đình, ngõ xóm. Ban đầu, nghề làm miến chỉ gói gọn trong các hộ gia đình nhỏ lẻ với phương pháp thủ công, tráng từng mẻ miến bằng tay, mất nhiều công sức. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người dân làng So đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn mà vẫn giữ được chất lượng.
Những ngày này, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại làng nghề đã chứng kiến không khí sản xuất nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tiếng máy tráng miến, máy cắt, tiếng người gọi nhau í ới tạo nên một không gian lao động sôi động và đầy hứng khởi. Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và xuất khẩu Dương Kiên chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến, đơn hàng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu, chúng tôi phải huy động hơn 40 lao động, làm việc liên tục theo dây chuyền khép kín. Máy móc hiện đại giúp giảm bớt sức lao động, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Miến dong của chúng tôi được đóng gói cẩn thận, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nên khách hàng rất yên tâm”.
Còn tại cơ sở sản xuất miến Dũng Thúy cũng ghi nhận một mùa vụ bận rộn. Bà Xuân Thị Thúy, chủ cơ sở phấn khởi cho biết, từ khi miến dong làng So được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao khách hàng tìm về đặt hàng ngày càng nhiều, sản lượng tăng 30%/năm. Những đơn hàng lớn từ các tỉnh, thành phố đến tới tấp, khiến cơ sở phải làm việc hết công suất để kịp giao cho khách.
Để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn sản phẩm dịp Tết, hiện một số cơ sở chế biến miến dong làng So còn cho ra mắt sản phẩm là các hộp quà tặng Tết mẫu mã đẹp, sang trọng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Trong hộp quà Tết, ngoài miến dong, còn có sản phẩm đi kèm để nấu cùng miến, như: Mộc nhĩ, hành khô, măng khô, hạt tiêu được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo thống kê, xã Tân Hòa hiện có 65 hộ sản xuất miến dong, cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn miến dong/ngày. Sản phẩm miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định. Nhiều gia đình nhờ làm nghề đã trở nên khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang và mua sắm thêm nhiều máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, khi miến dong làng So được thành phố cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đã chinh phục được cả những thị trường khắt khe, có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Lý Đình Quang khẳng định, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển sản xuất; phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời, xã cũng tích cực quảng bá thương hiệu miến dong làng So thông qua các hội chợ và kênh truyền thông, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ cho bà con. Ngoài ra, xã đang phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện xây dựng đề án bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tâm linh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đình So.
Làng nghề miến dong làng So hôm nay không chỉ là câu chuyện về phát triển kinh tế, mà còn là biểu tượng đẹp của văn hóa làng quê xứ Đoài. Sự nhộn nhịp, khẩn trương trong những ngày cuối năm chính là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và tiềm năng vươn xa của một làng nghề truyền thống.