Chống lãng phí, loại trừ "giặc nội xâm"

Chính trị - Ngày đăng : 09:00, 31/10/2024

Đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...” Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận định như vậy trong bài viết “Chống lãng phí” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt trong đời sống xã hội.
cover-lang-phib1-sua.jpg

"Đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài viết “Chống lãng phí” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của đảng viên và nhân dân cả nước. Để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc, đã đến lúc, toàn Đảng, toàn dân phải thống nhất nhận thức “đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, “có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”… để đồng lòng thực hiện.

cover2-lang-phib1.jpg

Chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, song lãng phí vẫn diễn ra khá phổ biến, là căn bệnh trầm kha trong lòng xã hội. Căn bệnh lãng phí không chỉ “đóng băng” các nguồn lực kinh tế, làm lỡ thời cơ phát triển, mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Nói cách khác, căn bệnh lãng phí đang kéo lùi sự phát triển của đất nước.

box-b1.jpg

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 26-10-2024 về chống lãng phí nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận xã hội. Đặt vấn đề: “Dân hỏi nhưng không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng cả chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chịu trách nhiệm?”, Tổng Bí thư đã điểm mặt, chỉ tên dự án chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh qua 2 nhiệm kỳ, nhưng nhân dân thành phố vẫn phải chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước đã đầu tư; hay 2 bệnh viện công được Nhà nước đầu tư, nhưng chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Cụ thể, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại thành phố Hồ Chí Minh được khởi công năm 2016, với kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng ngập úng do triều cường. Công trình đã hoàn thành 90% khối lượng, nhưng đang bị đình trệ và đứng trước nguy cơ kéo dài vô thời hạn, mà nguyên nhân chủ yếu là do không thể huy động đủ nguồn vốn để hoàn thành phần còn lại của công trình.

z5972832317504_a0dd9bad577cd6c18b3f4b144cedec58.jpg
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Quyết

Còn Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 được khởi công xây dựng cuối năm 2014 tại tỉnh Hà Nam do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế) làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác. Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác. Ngày 21-10-2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2020 và thông báo tạm thời dừng hoạt động do một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cơ sở vật chất và nhân lực...

viet-duc.jpg
Một số tòa nhà tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Vân Anh

Đặc biệt, theo Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ tư về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” khá phổ biến; chỉ tính riêng 7/15 địa phương đoàn giám sát làm việc đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai, phải hủy bỏ…

Còn đến thời điểm hiện tại, riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hơn 11.000 căn hộ, nền đất tái định cư đang bị bỏ trống, không có người ở; hàng loạt dự án đầu tư công đang "đắp chiếu". Tiêu biểu như khu đất số 115-117 Hồ Tùng Mậu rộng 3.198m² hiện là bãi giữ xe; khu đất 8-12 Lê Duẩn rộng gần 5.000m² và khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (đều ở quận 1) rộng hơn 6.080m² bị bỏ hoang do liên quan đến các vụ án giao đất, cho thuê đất trái quy định. Hiện cả hai khu đất này đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và quản lý.

info-kt-sua-b1-.jpg
tit-phu-2.jpg

Thống kê chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, năm 2016, có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 có 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 có 1.962 dự án và hầu hết là các dự án quan trọng quốc gia. Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa được xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm. Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa được đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng.

Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm. Tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án, nhất là các khu đô thị còn lớn và kéo dài, có dự án kéo dài hàng chục năm. Nhiều khó khăn, vướng mắc, vi phạm trong quy hoạch xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đời sống, sinh kế người dân, gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất. Hàng nghìn dự án thuộc diện Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bị chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa được quan tâm xử lý, thu hồi.

dji_0211.jpg
Dự án VTB Tower kế hoạch hoàn thành năm 2014 nhưng đến nay vẫn dang dở. Ảnh: Hữu Tiệp
tit-phu3.jpg

Tính đến tháng 10-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất, chậm triển khai.

box-ong-luc.jpg

Mục sở thị dự án khu đô thị mới AIC của Công ty Bất động sản AIC trên địa bàn xã Tiền Phong, huyện Mê Linh mới thấy sự lãng phí lớn nguồn lực đất đai. Dự án này có diện tích hơn 94ha, được phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 23-7-2008 và đến tháng 10-2024, mới giải phóng mặt bằng được hơn 52ha, đầu tư xây dựng một số tuyến đường nội khu xong, rồi để hoang.

Ông Vũ Văn Nhật ở thôn Trung Hậu Đoài (xã Tiền Phong) có đất nằm trong dự án cho biết, toàn bộ khu đất này trước đây là "bờ xôi ruộng mật", nông dân trồng hoa, cây cảnh, cho thu nhập cao, ổn định. Nhìn những thửa ruộng thẳng cánh cò bay bị bỏ hoang hơn 16 năm nay, mà thấy xót xa. Người dân thì thiếu đất sản xuất, còn doanh nghiệp được giao đất lại bỏ hoang, rất lãng phí…

“Thành phố và các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra, rà soát, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý. Bỏ hoang, lãng phí nguồn tài nguyên là có lỗi với nhân dân, với đất nước”, ông Nhật nói.

box-ong-nhat(1).jpg

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mê Linh còn có 63 dự án khác có tổng diện tích khoảng 2.000ha đất bị các doanh nghiệp “xí phần” nhiều năm nay, như: Khu đô thị mới Vinalines có diện tích hơn 115ha ở các xã: Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt; Khu đô thị mới Prime Group gần 100ha ở các xã: Đại Thịnh, Tráng Việt, Mê Linh; Khu đô thị mới An Thịnh hơn 72ha ở xã Đại Thịnh… Trong đó, có nhiều dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, quây tôn hàng chục năm nay.

Tại quận Hà Đông, dự án công viên văn hóa - thể thao quận Hà Đông có diện tích hơn 90ha, từ năm 1998 (thời điểm được phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng) đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống được quây tôn tứ phía. Bà Lê Thị Nhị, ở phường Hà Cầu (quận Hà Đông) chia sẻ: "Công viên văn hóa - thể thao là mơ ước của nhiều thế hệ người dân quận Hà Đông, nhưng sau hơn 26 năm, dự án vẫn chưa được triển khai, đất đai bỏ hoang, rất lãng phí".

Tại quận Hà Đông, khu đất thuộc lô IX, thửa số 17, phường Hà Cầu, quận Hà Đông rộng hơn 2,3ha cũng bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Trước khi thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), khu đất này được quy hoạch để làm Bảo tàng Hà Tây (cũ). Năm 2024, UBND quận Hà Đông đã đầu tư xây dựng Trường THCS Hà Đông trên diện tích hơn 0,5ha; số diện tích còn lại được giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở (hiện vẫn bỏ hoang). Điều đáng nói, diện tích đất “vàng” này không chỉ bị bỏ hoang, mà còn giao cho doanh nghiệp hơn 1,8ha để xây dựng nhà ở, trong khi đất xây dựng trường học thì chật hẹp, gây thất thoát, lãng phí tiền của của Nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân (?!).

Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) có quy mô hơn 100ha, tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9-2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa xong về hạ tầng, toàn bộ dự án mới chỉ thi công được một phần nhỏ, dù 97% mặt bằng đã được bàn giao cho chủ đầu tư.

Hay dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được khởi công từ năm 2009, gồm 6 hạng mục tòa nhà (A1 đến A6) với tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và một phần vốn đối ứng của thành phố, dự kiến khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 22.000 chỗ ở. Đến đầu năm 2015, tòa nhà A1, A5, A6 hoàn thành đi vào hoạt động với sức chứa gần 11.000 chỗ ở, Sở Xây dựng Hà Nội và đơn vị quản lý vận hành đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp thu hút học sinh, sinh viên, song số lượng chỗ ở được học sinh, sinh viên thuê, sử dụng tại khu nhà ở rất thấp, rất lãng phí.

Cùng chung số phận là 10 dự án đô thị dịch vụ trên địa bàn huyện Quốc Oai có tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 1.200ha, đến nay vẫn “án binh bất động”. Các dự án này phần lớn đã được giải phóng mặt bằng, song vẫn bị bỏ hoang, cây dại mọc um tùm...

Chưa kể, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm. Hiện tại, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà, 489 căn hộ chưa có phương án bố trí.

box-ong-phung.jpg
info2.jpg

XEM TIẾP

Nhóm phóng viên