Chính trị

Mài sáng “thanh bảo kiếm” để xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc: Bài 3: Chặt cành sâu mọt để cứu cả "rừng cây"

Hương Ly 29/10/2024 18:20

Tại vụ án Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, một trong những vụ đại án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 26 bị can, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao để điều tra về các tội danh: Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

cover-3.jpg

Tại vụ án Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, một trong những vụ đại án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 26 bị can, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao để điều tra về các tội danh: Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Kết quả điều tra ban đầu tại vụ án này đã thu giữ trên 300 tỷ đồng, 2 triệu đô la Mỹ, 500 lượng vàng, trên 1.000 sổ đỏ…, qua đó cho thấy tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Kết quả điều tra các vụ đại án thời gian qua cũng đặt ra những đòi hỏi bức thiết về việc tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng, quyết tâm loại bỏ những “cành sâu mọt” để cứu cả “rừng cây”.

tit1-3.png

Mùa thu năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã xử lý nghiêm minh một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng phạm bị kết án tử hình với tội danh “biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn xin tha tội chết, song Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.

hcm-co-dang-.jpeg

Trong bài xã luận trên Báo Cứu Quốc ngày 27-9-1950 "Nhân vụ án Trần Dụ Châu" có đoạn: “Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ làm nhiều điều bỉ ổi đã bị đưa ra trước Tòa án binh tối cao. Ngay ngày hôm sau, tên phản bội quyền lợi nhân dân ấy đã bị bắn để đền tội của y. Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân bằng lòng và thêm tin tưởng ở chính quyền và đoàn thể nhân dân. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa…

Cái chết nhục nhã của Trần Dụ Châu còn là một lời cảnh cáo những kẻ lén lút đang tính chuyện đục khoét công quỹ của Chính phủ, trục lợi của nhân dân. Tất cả những bọn ấy hãy coi chừng dư luận sắc bén của quần chúng và luật pháp nghiêm khắc của Nhà nước nhân dân!”.

Bài xã luận
Bài xã luận "Nhân vụ án Trần Dụ Châu", Báo Cứu quốc số ra ngày 27-9-1950 - Ảnh: Tư liệu

Hơn 70 năm đã trôi qua, song bản án nghiêm khắc với Trần Dụ Châu về tội danh tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Thực tế cho thấy, qua công tác kiểm tra, giám sát, hàng loạt vụ đại án nghiêm trọng, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước đã được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Đó là các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn…

Tại cuộc họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an quý III năm 2024 của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án; khởi tố, bắt tạm giam đối với 26 bị can để điều tra về 5 tội danh: Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

q3-bca-a-thanh-.jpeg
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin tại họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an quý III năm 2024 của Bộ Công an. Ảnh: Nguyên Anh

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn là một vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, khối lượng đồ vật, tài liệu cần thu thập rất lớn. Theo kết quả điều tra sơ bộ, Cơ quan điều tra đã thu giữ trên 300 tỷ đồng, 2 triệu đô la Mỹ, 500 lượng vàng và trên 1.000 sổ đỏ… Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ một số sai phạm của các bị can và đối tượng có liên quan; tiếp tục mở rộng điều tra, khởi tố các đối tượng khác có liên quan theo quy định và tập trung thu hồi tài sản thất thoát của Nhà nước.

Liên hệ từ vụ án Trần Dụ Châu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, biển thủ, cắt xén quân nhu để sống xa hoa trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân tập trung kháng chiến, đến việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm. Những kết luận kịp thời của cơ quan kiểm tra đảng cũng có giá trị rất lớn trong việc răn đe, cảnh tỉnh những cán bộ, đảng viên trước cạm bẫy của những “viên đạn bọc đường” là những khoản tiền hối lộ lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng.

tit2-3.png

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Trần Văn Rón, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Để có được kết quả này, UBKT các cấp đã chủ động nắm tình hình, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, UBKT các cấp đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan nội chính, tư pháp, thanh tra, điều tra, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Bước đầu qua kiểm tra, giám sát, đã kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những chồng chéo, sơ hở trong các quy định của Đảng, chính sách pháp luật. Qua đó, tiếp tục khắc phục cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, từ đó tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình…

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón - Ảnh: Nguyên Anh
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón. Ảnh: Nguyên Anh
box2-3.jpg

Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương cũng cho biết, việc kiểm tra, xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng, cá nhân vi phạm về tham nhũng, tiêu cực được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, nghiêm minh; bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Bên cạnh đó, UBKT Trung ương đã gắn kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý kịp thời việc miễn nhiệm, từ chức theo quy định.

“Công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua đã góp phần tích cực, có tác dụng răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa rất hiệu quả đối với các vi phạm về tham nhũng, tiêu cực. Sau kiểm tra đã chỉ rõ các vi phạm, khuyết điểm để các tổ chức, cơ quan, đơn vị khắc phục, sửa chữa để nội bộ trong sạch, đoàn kết, thống nhất, góp phần giữ vững, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ”, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương Trần Văn Rón đánh giá.

Quang cảnh Phiên họp thứ 26, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - Ảnh: Nguyên Anh
Phiên họp thứ 26, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Nguyên Anh

Phát biểu kết luận phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra trung tuần tháng 8-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh 3 yêu cầu. Đó là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, phải đặc biệt lưu ý quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng; chỉ đạo xử lý dứt điểm những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn; Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

box3-3.jpg

Người đứng đầu Đảng ta cũng nêu rõ mục tiêu từ nay đến hết năm 2024, tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt là tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC; Xuyên Việt Oil; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Mới đây, trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật. Đây chính là những đường hướng quan trọng để thời gian tới, việc thực thi kỷ luật đảng sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm khắc thông qua những “quy định thép” để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

XEM TIẾP