Công nghiệp văn hóa

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023:Khẳng định vị thế của “Thành phố sáng tạo”

Hoàng Lân 15/11/2023 - 14:32

Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang từng bước khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo” với vị thế tiên phong, sáng tạo, khả năng hội nhập xu hướng kinh tế sáng tạo quốc tế.

Hiện thực hóa cam kết với UNESCO

2(3).jpg
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ biến thành không gian sáng tạo lớn trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Từ đó đến nay, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để giữ vững thương hiệu Thành phố Sáng tạo.

Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo, như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”; đẩy mạnh hoạt động của những không gian văn hóa sáng tạo như Trung tâm Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm, Trịnh Công Sơn, Sơn Tây…

5.jpg
Công tác khẩn trương chuẩn bị, thiết kế, lắp đặt tại Nhà máy Xe lửa Gia lâm.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, sau 3 năm tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội (từ 2021 đến nay), quy mô, chất lượng của lễ hội ngày càng được mở rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với giới sáng tạo của Thủ đô và cả nước.

Nếu như năm 2021, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội chỉ diễn ra trong không gian nhỏ ở 22 Hàng Buồm; năm 2022, lễ hội mở rộng không gian sáng tạo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.

3(1).jpg
Các nghệ sĩ, nhà thiết kế lên kế hoạch tạo dựng nhiều không gian sáng tạo, biểu diễn, triển lãm, sắp đặt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Năm nay, Lễ hội mở rộng quy mô lớn với 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng.

Lễ hội năm nay còn có sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ đã và đang tích cực tham gia.

“Hà Nội đang đóng vai trò đầu tàu, khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo” với nhiều chính sách cởi mở, tạo dựng nhiều không gian sáng tạo để thu hút du khách”, ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ.

“Đánh thức” các di sản công nghiệp

Tiếp tục khẳng định vị thế Thủ đô - Thành phố sáng tạo, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 26-11 đang tạo sức hút lớn cho người dân và du khách.

Đáng chú ý, rất nhiều hoạt động diễn ra tại các di sản công nghiệp cũ như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… Những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội sẽ được đánh thức, khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng, nghệ thuật và hấp dẫn.

4.jpg
Tuyến tàu trải nghiệm từ ga Gia Lâm đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Là người chịu trách nhiệm định hình các tuyến không gian kiến trúc của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang cho biết, để biến 22ha của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo nghệ thuật đầy màu sắc, cả đội ngũ đã mất nhiều tháng để chuẩn bị, từ khâu vệ sinh, dọn dẹp cho đến thiết kế, lắp đặt.

Theo anh Nguyễn Hồng Quang, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm lần đầu được biết đến với tư cách một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhờ vào việc cải tạo, thiết kế, sắp đặt các không gian nhà xưởng, kho bãi thành những không gian nghệ thuật, đồng thời với việc tổ chức hàng loạt hoạt động sáng tạo.

Các không gian pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động...) mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn khác biệt về một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật. Trong đó, kho 10B của nhà máy được biến đổi trở thành Pavillion triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”.

Tại phân xưởng gia công nóng B1, sẽ được thiết kế Pavilion “Không gian kiến trúc và nghệ thuật Phân xưởng nóng”. Khu vực cầu lăn chìm của nhà máy sẽ được biến đổi thành không gian kiến trúc Pavilion “Bến chờ”.

Tại các không gian này sẽ tổ chức các triển lãm, điểm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn chưa từng có ở Hà Nội.

1.png
Không gian sắp đặt bên trong bốt Hàng Đậu.

Ngoài không gian sáng tạo chính tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tại Lễ hội năm nay, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm nhiều không gian sáng tạo mới. Xem triển lãm đầu máy xe lửa hơi nước tại khu vực Vườn Nhãn; tham gia mặc áo dài đạp xe qua các cung đường di sản từ tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Lần đầu tiên tháp nước Hàng Đậu mở cửa đón khách tham quan với triển lãm sắp đặt “Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu”.

Dịp này, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng tổ chức tuyến tàu hỏa từ nhà ga Long Biên qua cầu Long Biên và kết thúc tại ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để thưởng thức lễ hội.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Năng Khang cho biết, sẽ tăng cường các toa tàu nghệ thuật “đặc biệt” với sự tham gia của các nghệ sĩ trên các toa tàu, tạo nên ấn tượng cho những người trải nghiệm.

6.jpg
Các nghệ sĩ trình diễn tập luyện cho chương trình biểu diễn trong lễ hội

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra ở quy mô lớn, với sự góp sức, chung tay của cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo. Điều này không chỉ nhằm mang lại cho công chúng Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa, du lịch chất lượng mà còn góp phần khẳng định năng lực tổ chức, sáng tạo không ngừng của thành phố Hà Nội đang từng bước góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Nga (thương hiệu thời trang Vạn Thiên Y):

Bản sắc văn hóa luôn song hành với sáng tạo, đổi mới

Ba lần được tham gia Lễ hội Thiết kế sáng tạo của Hà Nội, cảm nhận của tôi là lễ hội đang ngày càng cho thấy tính chuyên nghiệp và quy mô lớn cũng như sự chung tay, góp sức của cộng đồng sáng tạo Hà Nội. Đây là cơ hội lớn để những nhà thiết kế, nhà sáng tạo thể hiện khát vọng cống hiến, đồng thời cho thấy Hà Nội là thành phố giàu truyền thống nhưng cũng năng động, sáng tạo.

Bản thân tôi đóng góp cho lễ hội những màn trình diễn trang phục cổ với mong muốn lan tỏa giá trị truyền thống đẹp cho cộng đồng. Giá trị truyền thống hòa cùng dòng chảy đương đại sẽ mang đến một không gian sáng tạo riêng và bền vững mà ở đó yếu tố bản sắc và văn hóa luôn song hành với sáng tạo, đổi mới.

Nhạc sĩ Trí Minh:

Hà Nội cần nhiều hơn những không gian sáng tạo

Hà Nội có rất nhiều không gian văn hóa, thiên nhiên để tạo dựng không gian sáng tạo hấp dẫn và cuốn hút. Những di sản công nghiệp như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, bốt Hàng Đậu… là những ví dụ điển hình. Rất may, hiện nay vẫn còn có những khu vực còn giữ được không gian này, chưa bị thay thế bởi những tòa nhà cao tầng.

Tôi hy vọng, Hà Nội sẽ có cơ chế để những không gian này tồn tại và phát triển theo cách riêng, tạo dựng không gian mới cho Thủ đô.

Hiện nay, những nghệ sĩ độc lập cũng đã tự tìm cho mình không gian sáng tạo riêng nhưng vẫn ở quy mô nhỏ và không nhiều. Chúng tôi mong muốn, với thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội sẽ có thêm nhiều không gian sáng tạo hấp dẫn, có sức thu hút lớn du khách, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.