Nghị quyết và Cuộc sống

Bài 1: Giải quyết việc khó ngay từ gốc

Nhóm phóng viên 29/10/2023 12:11

Chi bộ nông thôn là hạt nhân quy tụ, tiên phong giải quyết việc khó từ gốc. Song, để biến khó thành dễ là cả một câu chuyện dài với nhiều nỗ lực. Sinh hoạt chi bộ sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn, cán bộ dám nghĩ, dám làm, đảng viên gương mẫu đảm nhiệm những việc khó, việc mới sẽ thu phục được lòng dân, phát huy được sức dân, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai các phần việc khó của các đề án trọng điểm, nhiệm vụ cấp bách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

bai1hnm-1-desktop.jpg

MỌI VIỆC CÓ SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA NHÂN DÂN SẼ THÀNH CÔNG

Hơn một năm qua, đặc biệt trong giai đoạn nước rút thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong buổi sinh hoạt của các chi bộ thôn ở 6 huyện ngoại thành Hà Nội (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín) - nơi có dự án đi qua luôn diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm không chỉ của cán bộ, đảng viên, mà toàn thể nhân dân. Bởi, đây là dự án trọng điểm quốc gia, khi được hoàn thành sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ đối với Thủ đô, mà còn đối với cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô.

melinh.jpg
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm dự sinh hoạt với Chi bộ thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê về công tác triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, đường Vành đai 4 sẽ tạo điều kiện phát triển về phía Tây và Tây Nam, hiện nay là vùng trũng về kinh tế, còn kém phát triển so với mặt bằng chung của thành phố. Dự án sẽ tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy vùng này vươn lên; bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các vùng, các khu vực, trong đó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội của 6 huyện ngoại thành.

Ý nghĩa lớn lao là vậy, song nhiệm vụ đặt ra cũng hết sức nặng nề khi theo Nghị quyết của Chính phủ, đến ngày 30-6-2023, phải giải phóng mặt bằng đạt ít nhất 70% toàn bộ tuyến đường; đến ngày 30-12-2023, phải hoàn thành 100% diện tích.

vanbinh.jpg

Đảng viên Chi bộ thôn Văn Giáp, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) vận động người dân thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Để bảo đảm được tiến độ dự án, Chi bộ thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín đã phải tiến hành rất nhiều cuộc họp để quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương, thành phố và huyện Thường Tín về việc triển khai dự án. Nói thì tưởng dễ, nhưng để các chủ trương đó đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, đòi hỏi tinh thần tiên phong của cán bộ, đảng viên bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, hóa giải những thách thức. Tại cuộc họp Chi bộ thôn Văn Giáp, xã Văn Bình vào đầu tháng 10-2023, việc di chuyển mồ mả, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tiếp tục được bàn luận rất sôi nổi. Nổi cộm là, trong tháng phải hoàn thành việc di chuyển mồ mả, dù trong thôn còn đến 10 ngôi mộ chưa đến thời gian cải táng.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Văn Giáp Nguyễn Đình Khảm, trong thôn có tới 1.292 ngôi mộ phải di chuyển khi thực hiện dự án. Xác định đây là việc khó nên chi bộ đưa nội dung về giải phóng mặt bằng vào các buổi sinh hoạt chuyên đề. Gia đình đảng viên có mồ mả phải nêu gương di chuyển trước; đồng thời, chi bộ phân công từng đảng viên tuyên truyền, vận động các hộ dân. Có những hộ dân, phải đến nhiều lần, động viên, phân tích, giải thích…, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đối với những ngôi mộ vô chủ, đảng viên trong chi bộ cùng Ban Quản lý nghĩa trang thực hiện việc cất bốc, di chuyển hết sức chu đáo. Với tinh thần "cái gì có lợi cho dân thì làm", đến nay, đã có 1.258/1.292 ngôi mộ, trong đó có 38 ngôi mộ vô chủ được quy tập. “Chuyện di chuyển mồ mả với người Việt Nam không hề đơn giản nhưng khi dân đồng thuận thì khó mấy cũng làm được”, đồng chí Nguyễn Đình Khảm chia sẻ.

VIDEO: Ông Nguyễn Chí Tình, Bí thư Đảng ủy xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Cùng mối quan tâm như thôn Văn Giáp, thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) cũng có tới 3,2ha đất của 53 hộ gia đình và 24 ngôi mộ thuộc diện phải di dời để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Riêng gia đình Bí thư Chi bộ thôn Kim Tiền Hà Văn Quyết có 2.400m2 đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện phải thu hồi. Gương mẫu đi đầu, ông đã vận động người thân trong gia đình bàn giao 100% diện tích đất; đồng thời "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.

Với việc di dời 24 ngôi mộ nằm trong chỉ giới đỏ, Bí thư Chi bộ thôn Kim Tiền Hà Văn Quyết và các thành viên trong tổ công tác đã động viên và giải thích có lý, có tình, rồi thống nhất phương án, ngày giờ, cách thức di chuyển mộ phù hợp văn hóa, tâm linh. Nhờ đó, Kim Tiền trở thành thôn đầu tiên của huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội hoàn thành di dời 100% ngôi mộ về nghĩa trang.

cac-doan-the-nhan-dan-xa-kim-hoa-den-dong-vien-cac-ho-dan-di-chuyen-mo-ma-ve-nghia-trang..jpg
Các đoàn thể nhân dân xã Kim Hoa, huyện Mê Linh đến động viên các hộ dân di chuyển mồ mả về nghĩa trang để lấy mặt bằng cho Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do đảng viên hăng hái tham gia và gương mẫu”. Nhờ sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên Chi bộ thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê (huyện Mê Linh) mà thôn đã bàn giao 100% diện tích đất nông nghiệp, hoàn thành kê khai tài sản trên đất ở bị thu hồi phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

thanh1.jpg
Bí thư Chi bộ thôn Khê Ngoại 2 Nguyễn Văn Thanh

Thời gian đầu, cũng có ý kiến không thuận, thậm chí trái chiều, song Chi bộ đã phân công các đảng viên chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động từng hộ trong diện phải giải phóng mặt bằng. Tại các buổi sinh hoạt hằng tháng, Chi bộ đều có kiểm điểm việc làm được, chưa làm được để cùng nhau tháo gỡ.

Bí thư Chi bộ thôn Khê Ngoại 2 Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là nội dung sinh hoạt xuyên suốt trong gần 1 năm nay của chi bộ. Thời gian đầu, cũng có ý kiến không thuận, thậm chí trái chiều, song Chi bộ đã phân công các đảng viên chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động từng hộ trong diện phải giải phóng mặt bằng. Tại các buổi sinh hoạt hằng tháng, Chi bộ đều có kiểm điểm việc làm được, chưa làm được để cùng nhau tháo gỡ. Mọi lúc, mọi nơi, không quản ngày - đêm, mưa - nắng, hễ có cơ hội là các đảng viên được phân công lại tranh thủ vận động, tuyên truyền người dân bàn giao đất cho chính quyền địa phương...

VIDEO: Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê, huyện Mê Linh.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ liên quan đến giải phóng mặt bằng nhiều loại đất, từ đất thổ cư, nông nghiệp đến đất công ích, mà còn phải thực hiện di chuyển một lượng lớn mồ mả - đây là vấn đề nhạy cảm. Thế nhưng, việc rất khó này đã được các chi bộ nông thôn “hóa giải”.

hoi-dong-boi-thuong-ho-tro-va-tai-dinh-cu-huyen-thuong-tin-giao-dat-tai-dinh-cu-ngoai-thuc-dia-cho-cac-ho-dan-du-dieu-kien..jpg
Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Thường Tín giao đất tái định cư ngoài thực địa cho các hộ dân đủ điều kiện tại Dự án xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.

Những nỗ lực của thành phố, cả hệ thống chính trị, 7 quận, huyện, đặc biệt là các chi bộ nông thôn, chỉ trong một thời gian ngắn, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được triển khai, hoàn thành các mốc tiến độ theo kế hoạch, như bàn giao mốc giới, nhất là tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định, thành phố Hà Nội đã đi đầu khởi công dự án tại 4 điểm trên địa bàn. Đến nay, gần 90% diện tích đã được giải phóng mặt bằng ở 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên). Hiện tại, 14 mũi thi công dự án đã và đang được các nhà thầu triển khai.

Không chỉ có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, việc giải phóng mặt bằng nhiều dự án cụm, khu công nghiệp, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa… trên địa bàn các huyện cũng gặp không ít khó khăn nhưng khi việc của thành phố trở thành việc của người dân thì kết quả hết sức khả quan. Chẳng hạn như Cụm công nghiệp Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh bị chậm triển khai tới gần 10 năm. Khi Đảng ủy xã Vân Hà có nghị quyết về giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Thiết Bình, Chi bộ thôn Thiết Bình đã xây dựng chuyên đề và triển khai xuyên suốt trong các buổi sinh hoạt.

“Gia đình tôi có hơn 200m2 đất nằm trong diện phải thu hồi để thực hiện dự án xây dựng Cụm công nghiệp Thiết Bình. Thấm nhuần lời dạy của Bác “một trăm lời nói hay không bằng một việc làm tốt”, tôi đã tiên phong ký bàn giao đất”.

Đảng viên Nguyễn Hữu Vì, Chi bộ thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh

Chia sẻ về cách làm, Bí thư Chi bộ thôn Thiết Bình Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên cần tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, việc làm của chính quyền địa phương đều xuất phát từ lợi ích của dân thì mới tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.

HẠ NHIỆT "ĐIỂM NÓNG"

Không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, đồng thuận, đồng hành với chính quyền địa phương triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, các chi bộ nông thôn còn góp phần tích cực hóa giải nhiều “điểm nóng”.

Đổi mới hoạt động của các chi bộ nông thôn, giải quyết từ gốc những vấn đề nổi cộm, khiếu kiện, đơn thư vượt cấp, Đảng bộ xã Đại Mạch, huyện Đông Anh đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành một điểm sáng. Bí thư Chi bộ thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch) Trần Anh Ngọc cho biết, để giải quyết dứt điểm những tồn tại về vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, tại các buổi sinh hoạt, Chi bộ đã đưa ra nghị quyết, giao trách nhiệm cho đảng viên gặp gỡ trao đổi, thuyết phục người dân tự nguyện tháo dỡ công trình... Với tinh thần cầu thị, lắng nghe người dân nói, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể, Chi bộ đã cùng chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

anhngoc.jpg
Bí thư Chi bộ thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch) Trần Anh Ngọc.

Với phương châm, chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ, đến nay, Chi bộ thôn Đại Đồng đã vận động được 37 hộ gia đình xây dựng trái phép trên đất công, đất nông nghiệp ở dọc đường 23B tháo dỡ công trình vi phạm.

Đối với 11 hộ gia đình lấn chiếm đầm Sen từ nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận, Chi bộ giao cho những đảng viên có người nhà vi phạm tuyên truyền, vận động người thân tự tháo dỡ. Đến nay, đã có 5 hộ tự tháo dỡ, các hộ khác đều thống nhất di dời trong thời gian sớm nhất.

Đảng viên Vương Văn Tuyết, Chi bộ thôn Đại Đồng chia sẻ, được Chi bộ phân công nhiệm vụ trực tiếp vận động người dân khắc phục vi phạm xây dựng nhà xưởng kiên cố bán vật liệu xây dựng dọc đường 23B, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông đã cùng với một số đảng viên đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Cùng với đó, Chi bộ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về các quy định quản lý đất đai cũng như nội dung cưỡng chế đối với các hộ dân vi phạm.

Không chỉ tham gia tháo gỡ các “điểm nóng”, chi bộ nông thôn còn phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, quan tâm chăm lo sức khỏe của nhân dân. Một số chi bộ nông thôn đã xây dựng sinh hoạt chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, Chi bộ còn xây dựng chuyên đề về phát triển vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao. Chuyên đề được xây dựng chi tiết, cụ thể với từng nhóm nội dung, phân công đảng viên phụ trách từng nhóm việc, vấn đề. Nhờ đó, người dân trong thôn đều ổn định cuộc sống từ chính mảnh đất quê hương.

Ông Tô Văn Cứu, Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên

Mặc dù họp tối nhưng buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn Tân Tiến, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên khá đông đủ. Theo Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến Tô Văn Cứu, là khu vực thuần nông, vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường luôn là nội dung được thảo luận và được cụ thể hóa vào nghị quyết của chi bộ hằng tháng.

Từ một xã thuần nông xa trung tâm huyện, đến nay, Minh Tân trở thành địa chỉ tin cậy cho những nông sản sạch của Phú Xuyên.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân Trương Đại Dương cho hay, là xã thuần nông còn nhiều khó khăn, có hơn 42% đồng bào công giáo sinh sống, để lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, các chi bộ nông thôn đã đẩy mạnh công tác tuyền truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

VIDEO: Ông Trương Đại Dương, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát tại địa phương, riêng thôn Tảo Dương có tới 164/245 ca bệnh, chiếm tới hơn 60% tổng số ca của cả xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai), vì vậy, Chi bộ thôn Tảo Dương đã triển khai gấp cuộc sinh hoạt chuyên đề, để ra nghị quyết, lãnh đạo nhân dân thực hiện triệt để các giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch, chăm lo sức khỏe nhân dân.

Trong 2 giờ đồng hộ, gần 10 ý kiến đảng viên trao đi, đổi lại, phân tích nguyên nhân, hiến kế cho chi bộ. Nhiều ý kiến đảng viên khẳng định lại khuyến cáo của Bộ Y tế: Không có bọ gậy là không có dịch sốt xuất huyết, vấn đề là làm sao để không có bọ gậy, việc của chi bộ, của đảng viên là phải gương mẫu thực hiện, sau đó đến từng nhà tuyên truyền, vận động xử lý triệt để các ang nước, đi ngủ mắc màn, không để muỗi đốt.

“Chi bộ đã thống nhất chỉ đạo thực hiện ngay 7 biện pháp: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; tổng vệ sinh môi trường; phát huy tinh thần đi đầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền đoàn viên, hội viên và nhân dân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa; kịp thời phát hiện và hỗ trợ điều trị các ca bệnh và quan trọng từ cán bộ, đảng viên và nhân dân cần có quyết tâm ngăn chặn dịch”, Bí thư Chi bộ thôn Tảo Dương Nguyễn Hoàng Sơn cho biết.

VIDEO: Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai.

Từ thực tế kể trên cho thấy, khi cán bộ, đảng viên chi bộ nông thôn quyết tâm giải quyết việc khó, cùng người dân tháo gỡ khó khăn từ thực tế đời sống sẽ tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng để mỗi người cùng chung lòng, chung sức vì công việc chung. Khi ý chí của Đảng là nguyện vọng của dân, thì việc khó đến đâu cũng có thể vượt qua.

hn12.jpg

Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở, với 2.381 tổ chức cơ sở Đảng. Riêng 30 Đảng bộ quận, huyện, thị xã có 1.632 tổ chức cơ sở Đảng và có hơn 2.000 chi bộ thôn.

BÀI TIẾP