Bài 2: Vỡ cảnh quan, mờ bản sắc
Công cuộc đô thị hóa như một dòng chảy tự nhiên ào về nông thôn. Nông dân giàu lên, song kiến trúc lại thiếu định hướng. Người người đua nhau bê tông hóa, chồng tầng, coi đây là tiêu chuẩn của đời sống mới.
Công cuộc đô thị hóa như một dòng chảy tự nhiên ào về nông thôn. Nông dân giàu lên, song kiến trúc lại thiếu định hướng. Người người đua nhau bê tông hóa, chồng tầng, coi đây là tiêu chuẩn của đời sống mới. Nét nhà xưa với hình ảnh “ba gian, hai chái, sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối” còn lại rất ít. Sự đối lập giữa kiến trúc nhà tầng và nhà cổ tạo nên sự nhức nhối cả về thẩm mỹ lẫn cảnh quan chung của làng quê.
Trên con đường ven đê đổ bê tông láng mịn, làng Phù Đổng (thôn Phù Đổng, huyện Gia Lâm) là điểm sáng của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, từ trồng lúa sang trồng hoa giấy, mang lại lợi nhuận kinh tế lớn cho người dân. Có gia đình thu nhập hàng tỉ đồng/năm nhờ trồng hoa giấy và cây cảnh. Cuộc sống giàu có khiến bộ mặt làng thay đổi nhanh chóng. Kiến trúc nhà cổ trong làng chỉ còn thấp thoáng đâu đó ở một vài gia đình, với chiếc cổng, vài gian nhà cũ…
Trong làng, những ngôi biệt thự đời mới, sơn vàng óng như một mảng đối lập nhức mắt với những nhà cổ màu nâu trầm nằm kế bên. Ngoài cổng làng, biệt thự và nhà ống đủ màu sắc kề sát nhau, thể hiện cuộc sống sung túc của các gia đình, nhưng cũng tạo diện mạo pha tạp cho ngôi làng cổ đã phần nhiều mang dáng dấp thành thị.
Là một trong những gia đình sống ở làng Phù Đổng nhiều thế hệ, bà Vũ Thị Hồng xây nhà mới vào năm 2000, khi cuộc sống khá giả hơn. Đó là một biệt thự 2 tầng, sơn trắng với kiến trúc kiểu châu Âu. “Không ai định hướng chúng tôi phải làm nhà kiến trúc ra sao, phần lớn các gia đình xây nhà theo ý muốn của mình”, bà Hồng chia sẻ.
Dù xây mới toàn bộ nhà, làm lại sân vườn khang trang, nhưng bà vẫn kiên quyết giữ lại chiếc cổng nhà có từ năm 1933 như một dấu tích ghi nhớ về truyền thống gia đình, dù để giữ lại nó, bà đã phải thuê một đội thợ di dời chiếc cổng sang đặt ở vị trí mới để có thể trổ thêm cổng mới to hơn cho xe dễ ra vào.
“Tôi kiên quyết giữ lại chiếc cổng có tuổi đời gần 100 năm vì đó là di sản của ông cha”, bà Hồng khảng khái nói.
Nhưng trong làng Phù Đổng, chẳng phải nhà nào cũng có điều kiện và suy nghĩ như bà Hồng là cần phải giữ lại một phần kiến trúc nhà xưa. Phần lớn các gia đình trong thôn đều phá bỏ hàng rào, bỏ cổng nhà, xây kiểu mới. Trong con ngõ nhỏ, nhà biệt thự, nhà ống hiện đại chiếm đa số. Mỗi nhà một kiểu, màu sắc, kiến trúc va đập nhau.
Trong hành trình tìm lại nét nhà xưa, nơi lưu giữ nếp sinh hoạt truyền thống của các gia đình Việt Nam ở nông thôn, chúng tôi lại nhớ đến câu chuyện của gia đình ông Đinh Văn Phụng ở làng múa rối Đào Thục (huyện Đông Anh). Gia đình ông là 1 trong 3 gia đình còn giữ được ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm.
Theo lời ông Phụng, trước kia, ngôi nhà gỗ 3 gian là nơi sinh hoạt của đại gia đình ông, khi ấy, khuôn viên nhà còn có mảnh vườn và ao phía sau. Các con trưởng thành, ông Phụng chia đất để con ra ở riêng, mảnh vườn và ao nhà được lấp để xây nhà mới. Ngôi nhà cổ vì thế vẫn được giữ lại để làm nhà thờ, một phần còn lại là không gian sinh hoạt của gia đình người con trai cả. Giờ nhà cổ sau nhiều lần tu sửa được sơn màu nâu cam rực rỡ, lắp điều hoà, mở thêm khu công trình phụ tiện nghi bên phía trái để thuận tiện hơn cho sinh hoạt.
“Cuộc sống thay đổi, nhu cầu thay đổi, các nhà đông con nhiều cháu phải chia đất để tạo dựng cuộc sống riêng. Việc phải phá vườn, lấp ao để xây nhà ống cũng là tất yếu. Nhà tôi có đất vườn nên còn giữ được nhà cổ, nhiều gia đình phải dỡ nhà để chia cho con cháu”, ông Phụng nói.
Chia sẻ về những bất cập trong kiến trúc nhà ở nông thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tài thừa nhận, những di sản còn lại trong dân không được bao nhiêu.
“Không có định hướng quy hoạch kiến trúc, hướng dẫn thì người dân vẫn mạnh ai nấy làm. Đa số việc xây dựng nhà cửa là theo sở thích, nhu cầu, tài chính của từng nhà. Tổng thể kiến trúc làng quê khó tránh khỏi thiếu sự đồng bộ”, ông Nguyễn Văn Tài nói.
Với suy nghĩ của thanh niên thế hệ 8X, Trưởng thôn Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Đình Hưởng nhận xét, ngôi nhà - bộ mặt của mỗi gia đình hiện đại hơn là điều đáng mừng, nhưng cũng có không ít bất cập.
“Dân số tại vùng nông thôn đang tăng mạnh, diện tích nhà ở dần bị thu hẹp. Việc cải tạo, xây dựng nhà ở, lựa chọn kiến trúc, vật liệu xây dựng… ở quê không cần xin phép chính quyền, chủ yếu do người dân tự phát, phần nào khiến kiến trúc làng quê hỗn tạp. Và đâu chỉ có nhà mới thay nhà cổ, bê-tông cốt thép thay cho những nếp mái ngói, mà lối sống, sinh hoạt và nếp nghĩ của người dân cũng thay đổi. Khi con người leo lên sống ở nhà cao, tường rào, cổng sắt vây kín thì việc giao tiếp xã hội, tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng. Trước đây, người dân tự do sang nhà nhau chơi thì nay ngại gọi cổng; nhà có cỗ bàn "ới" một câu là có người đến giúp, nay nhiều gia đình cưới con kéo nhau ra nhà hàng, hoặc thuê người nấu cỗ nên mất đi sự nhộn nhịp, gắn kết”, anh Nguyễn Đình Hưởng nói.
Là một bậc cao niên chứng kiến nhiều thay đổi của làng Đại Áng, ông Nguyễn Danh Phong chia sẻ: “Những năm chưa đổi mới, các gia đình sống đơn giản, chủ yếu là nhà cấp 4, thấp, nên không gian sống thoáng đãng hơn. Cuộc sống giờ hiện đại và khấm khá, các gia đình đều xây nhà mới. Nhà khá giả xây biệt thự to, gia đình lao động thì xây nhỏ, đều là nhà ống; người làm sau lại muốn xây nhà to và cao hơn người làm trước…”.
Tại hội nghị toàn quốc về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hải Phòng tổ chức tháng 2-2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Nhiều nơi đô thị hóa tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp… Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực nông thôn cũng chưa có sự tham gia của Nhà nước trong kiểm soát về hình thức, chỉ tiêu kiến trúc nhà ở nông thôn…
Ở góc độ người làm nghề, Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, việc hiện đại hóa, đô thị hóa nông thôn là nhu cầu, quy luật tất yếu của xã hội phát triển, chúng ta cần tôn trọng. Tuy nhiên, rất ít tài liệu hướng dẫn người nông dân xây nhà phù hợp với điều kiện ăn ở hiện nay, phù hợp với công nghệ và những điều kiện kinh tế mới, tốn ít mà lại đẹp. Chính vì vậy, không thể trách việc người dân xây dựng nhà ở theo kiểu sao chép ý tưởng, mẫu mã, thậm chí là bắt chước.
Vấn đề đặt ra là cần tạo ra những mẫu nhà và mẫu quy hoạch làng phù hợp với thực tế, lấy cái được và cái hay để thuyết phục người nông dân và chính quyền ở nông thôn, đồng thời tìm cách đưa chúng vào đời sống. Mỗi địa phương cần xác định rõ kiến trúc nào nên được bảo tồn, trên cơ sở đó có định hướng, tuyên truyền cho người dân cùng tham gia gìn giữ.
“Các cơ quan quản lý Nhà nước cần hướng về nông thôn mạnh mẽ hơn, tìm mọi con đường đến với xây dựng nông thôn mới. Các nhà khoa học, các kiến trúc sư cần quay mặt về với nông dân và kiến trúc tổ ấm của họ. Chúng ta cần có chủ trương để toàn bộ người dân nông thôn có những ngôi nhà, những ngôi làng đẹp và văn minh”, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nói.
Cùng với sự thay đổi trong từng nét làng, nét nhà, nông thôn Việt Nam cũng đang chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ ở những làng nghề, làng có nghề. Không chỉ là câu chuyện về kiến trúc, đó còn là trăn trở làm thế nào để không gian sản xuất, không gian sáng tạo trong làng nghề góp phần tạo nên các giá trị mới, phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa truyền thống của làng.
➠ Bài 1: Làng trong "cơn lốc" đô thị hóa
➠ Bài 3: Tái tạo, bảo tồn không gian làng nghề