Bài 3: Trông người để ngẫm đến ta…
Từ những vướng mắc về xuất khẩu văn hóa, chúng ta có thể nhìn ra thế giới để tiếp thu, chắt lọc những kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này như Mỹ, Anh, Nhật Bản và đặc biệt là Hàn Quốc.
Từ những vướng mắc về xuất khẩu văn hóa, chúng ta có thể nhìn ra thế giới để tiếp thu, chắt lọc những kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này như Mỹ, Anh, Nhật Bản và đặc biệt là Hàn Quốc. Trong bối cảnh văn hóa đang trở thành nguồn tài nguyên mới của các nước để phát huy “sức mạnh mềm”, giúp nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng tầm ảnh hưởng, việc khai thác và lan tỏa các giá trị văn hóa được nhiều nước xem như một nhiệm vụ chiến lược.
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi những bộ phim Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện ở các nước châu Á, ít ai nghĩ rằng, 20 năm sau, xứ sở Kim chi đã viết lên câu chuyện thần kỳ về xuất khẩu văn hóa.
Từ một nền văn hóa có phần khép kín bởi chính sách kiểm duyệt nghiêm khắc vào những năm 1970-1980, đến nay, mức độ phổ biến của văn hóa Hàn Quốc đã lan tỏa khắp các châu lục trên toàn cầu và tạo thành Làn sóng Hàn Quốc - hay còn gọi là Hallyu.
Thời trang Hàn Quốc, phong cách Hàn Quốc, món ăn Hàn Quốc, ngôn ngữ Hàn Quốc, âm nhạc Hàn Quốc... được biết đến ở mọi nơi và chiếm không ít cảm tình của giới trẻ. Những thành tựu của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc thời gian gần đây có thể kể đến như: Bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) đoạt 4 giải danh giá của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (Oscar) năm 2019; loạt phim Squid Game (Trò chơi con mực) liên tục giữ vị trí phim ăn khách nhất nền tảng chiếu phim trực tuyến toàn cầu năm 2021; các nhóm nhạc K-pop BTS, BlackPink trở thành hiện tượng khi doanh thu mỗi chuyến lưu diễn nước ngoài lên tới hơn 100 triệu USD… Điều này chứng minh, văn hóa Hàn Quốc đã đạt được thành công đặc biệt không chỉ về mặt thương mại mà còn được giới phê bình đánh giá cao.
Trước hiện tượng văn hóa Hàn Quốc, Meritxell Puig, Giám đốc Manga Barcelona - một đại hội phim hoạt hình thường niên lớn thứ 2 toàn châu Âu được tổ chức tại Tây Ban Nha - cảm thán: “Có một điều gì đó khiến cho văn hóa châu Á tạo ra sức hấp dẫn toàn cầu. Nó có thể bắt đầu với truyện tranh nhưng là cửa ngõ dẫn đến ẩm thực, ngôn ngữ, du lịch, văn học, âm nhạc, kịch… và cả khiêu vũ. Mặc dù văn hóa đại chúng Nhật Bản vẫn duy trì vị thế trên thế giới, nhưng Hàn Quốc đang trên đà phát triển một cách kinh ngạc những năm gần đây”. Điều này được thể hiện vào ngày cuối cùng của Manga Barcelona năm 2022 khi hàng chục thanh niên châu Âu hào hứng bước lên sân khấu lớn tham gia cuộc thi nhảy vũ điệu Hàn Quốc có tên “K-pop Assault: Wow, Dancetastic Baby 2022” để giành danh hiệu nữ hoàng và vua vũ đạo K-pop. Trong số những thí sinh tham gia, có người phải vượt một chặng đường khá dài, lên tới hàng ngàn cây số. Họ không ngần ngại khoác lên mình trang phục theo phong cách Hàn để màn trình diễn thêm ấn tượng.
Trao đổi với Lee Areum, Giám đốc kinh doanh âm nhạc của Studio LuluLala (SLL), nhà sản xuất và phân phối hàng đầu các bộ phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) để tìm hiểu sâu hơn về Hallyu, bà cho biết, bộ phim đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của Làn sóng Hàn Quốc là Bản tình ca mùa đông (2002). Đây cũng là thời điểm bà bước chân vào ngành giải trí xứ Kim chi qua việc gia nhập JYP, một trong những công ty “Big Four” (cùng với SM, YG và HYBE), 4 “ông lớn” trong lĩnh vực giải trí, biểu diễn thống trị nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc hiện nay. “Khi tình yêu với K-drama và K-pop chưa tìm được điểm bứt phá, chỉ giới hạn ở châu Á thì chính nghệ sĩ nhạc rap Psy đã đưa làn sóng Hallyu ra toàn cầu với bản “Gangnam Style” năm 2012, thể hiện “điệu nhảy ngựa”.
Nhờ "cú hích" này, cái tên Hàn Quốc được biết đến rộng rãi ở nhiều khu vực trên thế giới. Các ban nhạc K-pop cũng bắt đầu thực hiện chiến lược tiến sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc bắt đầu nuôi dưỡng ý thức trả phí sử dụng sản phẩm của người hâm mộ thông qua các câu lạc bộ thành viên, bán hàng và tạp chí. Các nghệ sĩ được đào tạo bài bản hơn khi trả lời phỏng vấn để có thể đưa Hallyu đi xa hơn nữa”.
Theo bà Lee Areum, thành tựu của Làn sóng Hàn Quốc tưởng chừng chỉ xảy ra sau 1 đêm, nhưng thực chất, đây là kết quả của cả một hành trình hơn 2 thập kỷ không ngừng đầu tư, xây dựng. Bên cạnh việc xây dựng chính sách mang tầm chiến lược về xuất khẩu văn hóa, Hàn Quốc cũng nhanh chóng cập nhật và áp dụng các tiến bộ của công nghệ số như các nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify, phần mềm xem phim Disney+ và Netflix, kênh YouTube. Cuộc cách mạng trong mạng lưới phân phối đã phá vỡ các rào cản và giúp Hàn Quốc toàn cầu hóa nội dung xuất khẩu.
Cùng với đó, để xuất khẩu sản phẩm văn hóa, Hàn Quốc, với tư cách là một nhà sản xuất, cũng phải nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng và có những thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, nhiều tác phẩm K-pop hiện nay có sự pha trộn âm hưởng từ hip-hop, rock, R&B, jazz, disco... Ngay cả phim Ký sinh trùng đoạt giải Oscar cũng lấy cảm hứng từ chủ đề đang được thế giới quan tâm là bất bình đẳng giàu nghèo hoặc xung đột giữa lựa chọn cá nhân và cộng đồng. “Tiền tố K ngày càng được áp dụng cho mọi thứ, không chỉ nhạc pop, phim truyền hình mà cả các sản phẩm làm đẹp và đồ ăn, từ kim chi đến cơm kimbap. Bên cạnh những tác động tích cực mà “sức mạnh mềm” có thể mang lại lợi ích cho quốc gia, văn hóa Hàn Quốc cũng đang tạo ra tác động xã hội tích cực. Ví dụ, lực lượng người hâm mộ trung thành của BTS - được gọi là ARMY - đã trở thành một tổ chức từ thiện có đăng ký chính thức, tận dụng mạng lưới toàn cầu mạnh mẽ của mình để làm những điều tốt đẹp trên thế giới”, bà Lee Areum chia sẻ.
Nhờ hướng đi đúng, ngành công nghiệp văn hóa của nước này đã vươn lên vị trí thứ 7 thế giới, tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm. Theo ông Kim Jae-hyun, Tổng Giám đốc Văn phòng chính sách nội dung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của đất nước với tổng kim ngạch trên 12,4 tỷ USD/năm, vượt xa ngành thiết bị gia dụng (8,6 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và màn hình hiển thị (3,6 tỷ USD).
Nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (2008-2013), người đóng góp tích cực vào chính sách xuất khẩu văn hóa: “Văn hóa sẽ là nguồn vốn quyết định kinh tế trong thế kỷ XXI. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống mà trong đó, tất cả mọi người bất kể đang sống ở đâu và thuộc tầng lớp xã hội nào cũng có thể được trải nghiệm văn hóa trong đời sống hằng ngày. Một đất nước tiến bộ và phát triển bậc nhất không phải chỉ đơn thuần có thu nhập cao mà còn là một đất nước có nền văn hóa phát triển ở cấp độ cao, cân bằng với sự phát triển của kinh tế”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đang tham gia vào cuộc đua quảng bá hình ảnh đất nước để lan tỏa tầm ảnh hưởng. Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự bổ trợ của “sức mạnh cứng” là quân sự và kinh tế, các nước thường sử dụng chiến lược “sức mạnh mềm”, trong đó văn hóa là một trụ cột. Thực tiễn cho thấy, sự sinh tồn, phát triển bền vững của một quốc gia đều không tách rời sự “thăng hoa” của “sức mạnh mềm”. Những quốc gia vận dụng thành công nguồn sức mạnh này sẽ đạt được nhiều lợi ích, tạo dựng vị thế của mình đối với các nước bởi những giá trị của quốc gia đó sẽ ăn sâu vào tư tưởng, hành vi, hình thành thói quen và niềm tin của nhiều người dân ở các quốc gia khác.
Nghiên cứu về hiện tượng Hallyu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng, Hàn Quốc đã thành công nhờ xây dựng được một chiến lược mang tầm nhìn dài hạn. Chính sách xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc được chia làm ba giai đoạn. Từ 1997 đến giữa những năm 2000, hay còn gọi là phiên bản Hallyu 1.0, Seoul chú trọng phát triển thị trường trong nước trước khi xuất khẩu ra bên ngoài. Bước đi này giúp ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc có được nền tảng vững chắc, đồng thời tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm của các quốc gia khác. Bên cạnh đó, những sản phẩm phim truyền hình cũng được tung ra như một cách thăm dò thị trường châu Á. Giai đoạn 2, từ giữa những năm 2000 đến 2010 (Hallyu 2.0), K-pop được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cùng với một số lĩnh vực văn hóa khác. Ở phiên bản Hallyu 3.0, từ năm 2010 đến nay, Hàn Quốc thực hiện chính sách xuất khẩu toàn diện mọi lĩnh vực văn hóa, hỗ trợ mạnh mẽ để công nghiệp văn hóa phát triển.
Xác định đây là ngành công nghiệp chủ lực, trong suốt 2 thập kỷ qua, ngân sách dành cho phát triển văn hóa không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2005, ngân sách cho văn hóa - nghệ thuật tăng từ 0,6% lên đến 1,05%. Chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã nhận được khoảng 172,3 triệu USD. Đến năm 2023, ngân sách dành cho ngành này lên tới 1,217 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc, định hướng xuyên suốt nhằm khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia là: Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo nhà báo Jessie Yeung, làm việc tại kênh truyền thông nổi tiếng của Mỹ - CNN: “Hai thập kỷ qua, chúng ta đã được chứng kiến sản phẩm văn hóa xuất khẩu của Hàn Quốc “càn quét” thế giới, từ K-pop, K-drama đến các sản phẩm làm đẹp, thời trang và thực phẩm. Đất nước này đã trở thành một trung tâm văn hóa quốc tế đến mức Từ điển tiếng Anh Oxford đã thêm hơn 20 từ có nguồn gốc từ tiếng Hàn vào năm 2021. Hiện tượng này có được nhờ những chính sách đúng hướng của Chính phủ Hàn Quốc. Giờ đây, tiếng Hàn có thể là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo vươn ra toàn cầu”.
Còn Mỹ, quốc gia được coi như một ví dụ kinh điển cho sức ảnh hưởng văn hóa với Hollywood và Broadway - đế chế điện ảnh và sân khấu số một trong nền công nghiệp văn hóa toàn cầu. Trong số 100 bộ phim được xem nhiều nhất thế giới, có tới 90 phim là của Mỹ. Có thể thấy, ngành công nghiệp văn hóa của xứ Cờ hoa đã thực sự tạo nên một “giấc mơ Mỹ” lan tỏa toàn cầu. Nó giúp các sản phẩm văn hóa Mỹ hiện diện khắp mọi nơi, từ phim ảnh, truyện, thời trang đến các phần mềm trò chơi, các món quà lưu niệm…
Theo thống kê, năm 2021, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tới 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, tương đương 1.000 tỷ USD, trong đó xuất khẩu văn hóa chiếm khoảng 32 tỷ USD. Khoảng 5 triệu lao động đang làm việc trong ngành này. Các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đem lại nguồn thu cho nước Mỹ nhiều hơn xuất khẩu vũ khí, vốn là thế mạnh của xứ Cờ hoa.
Dù “sức mạnh mềm” ở vị trí đỉnh cao, song đầu tư cho phát triển văn hóa tại Mỹ chưa từng suy giảm.
Dù “sức mạnh mềm” ở vị trí đỉnh cao, song đầu tư cho phát triển văn hóa tại Mỹ chưa từng suy giảm. Mỗi năm, Quốc hội nước này chi ngân sách hơn 150 triệu USD cho các dự án nghiên cứu và văn hóa cộng đồng. Để thúc đẩy xuất khẩu văn hóa, Chính phủ Mỹ thành lập riêng một cơ quan phụ trách trực thuộc Bộ Ngoại giao là Cục các vấn đề Văn hóa và Giáo dục (ECA). Cơ quan này chủ yếu triển khai các chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa và giáo dục với nhiều quốc gia, học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, vận động viên thể thao… trên toàn thế giới. Ngân sách hoạt động của ECA vào khoảng 309 triệu USD/năm.
Quan điểm của chính quyền Mỹ qua nhiều thời kỳ đều cho rằng, quảng bá văn hóa luôn luôn đi đôi với truyền bá văn hóa, thông tin nhằm nâng cao nhận thức. Việc truyền bá các giá trị Mỹ, tư tưởng Mỹ được triển khai phần nhiều thông qua các chương trình đào tạo, được thực hiện bền bỉ, lâu dài theo một quá trình, "mưa dầm thấm lâu" và có chọn lọc. Các đối tượng ở nước ngoài được chọn để đầu tư là các nhân tài, các nhà lãnh đạo tương lai…, tựu chung là những người có sức ảnh hưởng, có lợi cho đất nước về lâu dài. Rất nhiều diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới của Mỹ như George Clooney, Angelina Jolie... đã tham gia các hoạt động, qua đó dùng ảnh hưởng văn hóa để thúc đẩy các mục tiêu chính sách ở nước ngoài.
Có thể thấy, thước đo sức mạnh của một đất nước không chỉ là năng lực quốc gia mà còn là tầm ảnh hưởng. Việt Nam đã từng được chính Giáo sư người Mỹ Joseph Nye - cha đẻ của học thuyết “Sức mạnh mềm” - khẳng định là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội và lợi thế để gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa trong hội nhập quốc tế. Từ những câu chuyện theo chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước, “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam còn là sự nhạy bén, dễ thích nghi và tiếp biến cái mới từ các nền văn hóa, văn minh khác nhau một cách sáng tạo, chủ động nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Những giá trị này nếu được quảng bá một cách có hệ thống vì lợi ích của dân tộc, vì mục tiêu phát triển chung của cộng đồng quốc tế, sẽ tạo nên sức ảnh hưởng tích cực, góp phần nâng cao ảnh hưởng, vị thế đất nước.
Có thể thấy, thước đo sức mạnh của một đất nước không chỉ là năng lực quốc gia mà còn là tầm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, hiện nay sự phổ biến của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài còn thấp, hay nói đúng hơn, chúng ta chưa tận dụng hết những thế mạnh vốn có đặt trong bối cảnh mới. Để đánh thức những tiềm năng cần có cái nhìn toàn diện, kết hợp với tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, qua đó đưa ra những chiến lược cụ thể và bước đi hợp lý, chúng ta mới có thể làm “con rồng văn hóa” hoàn toàn tỉnh giấc.