Công nghiệp văn hóa

Bài 2: Gian nan đường ra “biển lớn”

Nhóm tác giả 10/08/2023 19:57

Thành công của các vở diễn thực cảnh, hiện tượng Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh “gây bão” trên thị trường âm nhạc, những bộ phim “Hai Phượng”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”… cho thấy năng lực sáng tạo cùng sức cuốn hút của các sản phẩm văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

giannan(1).png

Thành công của các vở diễn thực cảnh, hiện tượng Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh “gây bão” trên thị trường âm nhạc, những bộ phim “Hai Phượng”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” cho thấy năng lực sáng tạo cùng sức cuốn hút của các sản phẩm văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Thế nhưng, để những sáng tạo ấy có thể đứng vững trên thị trường văn hóa thế giới nhằm truyền bá hệ giá trị văn hóa Việt, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể, trên cơ sở những điều chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc.


tit-giannan-01.png

 Những ca sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh… đã kể câu chuyện mới của âm nhạc Việt Nam thời hội nhập, nhưng nối tiếp thành công là gì? Sau một năm phát hành, ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh “làm mưa làm gió” trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, âm vang trong những quán cà phê, bến tàu điện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, được không ít người nổi tiếng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… “cover” (hát lại).

giannan-anhghep-01-1-.png

       Thế nhưng không mấy người nước ngoài biết đến ca sĩ thể hiện cũng như những ca khúc khác trong album “Link”. Những sản phẩm âm nhạc sau đó của nữ ca sĩ cũng ít nhận được sự quan tâm của khán giả quốc tế. Phải chăng chỉ đơn giản vì Hoàng Thùy Linh và cộng sự chưa thật sự đặt trọng tâm vào xây dựng hình ảnh cũng như tạo “lực hấp dẫn” cho các sản phẩm để phục vụ mục tiêu “xuất ngoại”?

        Không khác bao nhiêu với Hoàng Thùy Linh, video âm nhạc “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP đã tạo nên “hiện tượng” âm nhạc khi cán mốc 1 triệu lượt xem trong vòng 8 phút, 10 triệu lượt xem sau 3 tiếng 47 phút và liên tục chiếm lĩnh thứ hạng cao trong bảng xếp hạng thịnh hành ở nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Australia, Canada, Anh… Nhưng 2 năm sau đó, “Making my way” dù được đầu tư nghiêm túc với tham vọng vươn ra thế giới của Sơn Tùng M-TP, sau một thời gian ghi danh trong bảng xếp hạng của thị trường âm nhạc quốc tế, lại nhanh chóng chìm lắng.

Nhưng 2 năm sau đó, “Making my way” dù được đầu tư nghiêm túc với tham vọng vươn ra thế giới của Sơn Tùng M-TP, sau một thời gian ghi danh trong bảng xếp hạng của thị trường âm nhạc quốc tế, lại nhanh chóng chìm lắng.

{Gian nan đường ra “biển lớn”}

        Xoay quanh câu chuyện mang âm nhạc Việt Nam ra “biển lớn”, theo Nhà sáng lập và điều hành Hot Panda Media (đơn vị sản xuất và phân phối âm nhạc quốc tế) Nguyễn Phương Đông, chỉ những sản phẩm thực sự đặc sắc mới có thể tiếp cận được thị trường âm nhạc thế giới và các nghệ sĩ phải được đầu tư về khả năng truyền tải tác phẩm để đạt chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Phương Đông nhận định: “Chúng ta có nhiều tài năng, có nhiều ý tưởng nhưng khi bước ra thế giới gặp không ít rào cản từ ngôn ngữ đến kinh phí. Nghệ sĩ Việt Nam ít cơ hội ra nước ngoài biểu diễn để thâm nhập thị trường, tích lũy kinh nghiệm và có những điều chỉnh phù hợp. Mặt khác, chúng ta chưa có những quỹ hỗ trợ nghệ thuật cho nghệ sĩ bước ra thế giới, cập nhật với thế giới…”.

        Bền bỉ với tham vọng tiến ra thị trường quốc tế nhưng lĩnh vực điện ảnh cũng còn không ít vấn đề. Những “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa len trâu”, “Cha cõng con” … gây ấn tượng mạnh mẽ tại các liên hoan phim quốc tế; “578: Phát đạn của kẻ điên”, “Hai Phượng”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”… được nhiều quốc gia có nền điện ảnh khắt khe như: Mỹ, Italia, Đức, Canada, Australia… đưa ra rạp, đáng tiếc chỉ là những hoạt động đơn lẻ, phụ thuộc vào sự năng động của ekip sản xuất.

giannan-anhghep-02-2-.png

        Theo đạo diễn Phan Đăng Di, tại nhiều liên hoan phim quốc tế uy tín như: Cannes, Berlin, Busan…, các quốc gia Thái Lan, Indonesia, Philippines… đều có gian hàng chính thức giới thiệu về nền điện ảnh, có cơ chế ưu đãi dành cho các tác phẩm hay, còn Việt Nam thì không. “Liên hoan phim quốc tế là cơ hội để quảng bá, giới thiệu với các đối tác, nhà làm phim nước ngoài, từ đó phát triển hợp tác sản xuất hoặc phát hành nhưng chúng ta vẫn chưa biết tận dụng. Đến giờ, tôi chỉ thấy Công ty TNHH Bình Hạnh Đan chăm chỉ triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá điện ảnh ở các liên hoan phim quốc tế với tính chất nhỏ lẻ, cá nhân...”, đạo diễn Phan Đăng Di nhận định.


tit-giannan-02.png

Từ chủ trương tới chính sách có độ trễ, nhưng chờ chính sách đến bao giờ trong khi khó khăn thử thách vẫn ngồn ngộn phía trước, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nói về những thách thức với công nghiệp văn hóa trong xu thế toàn cầu dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nghệ sĩ Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, thách thức đầu tiên đến từ vấn đề pháp lý do thể chế văn hóa của Việt Nam chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá sâu, ảnh hưởng đến sức sáng tạo của ngành. Những thiếu sót trong hành lang pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến sự yếu kém trong bảo vệ các thành quả sáng tạo.

Thách thức đầu tiên đến từ vấn đề pháp lý do thể chế văn hóa của Việt Nam chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá sâu, ảnh hưởng đến sức sáng tạo của ngành.

{Gian nan đường ra “biển lớn”}

       Hiện tại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang loay hoay do thiếu các quy định pháp luật riêng phù hợp, đặc biệt là các nghị định, thông tư hướng dẫn về Luật Sở hữu trí tuệ làm cơ sở căn cứ quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền. “Chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn một khoảng cách xa so với thế giới nên chưa có nhiều sản phẩm tạo dựng được thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế”, nghệ sĩ Trần Ly Ly cho biết thêm. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh thấp khiến việc nhập khẩu sản phẩm văn hóa có khoảng cách “vượt trội” so với xuất khẩu, Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa. Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong khi ưu đãi và lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp nội địa đang chia nhau là rất nhỏ so với doanh nghiệp ngoại.

        Một thực tế khác, marketing và truyền thông văn hóa gắn với công nghệ số đã được nhiều quốc gia trên thế giới xem là giải pháp hàng đầu cho xuất khẩu văn hóa, nhưng vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam. Trong “thế giới phẳng” thông tin, hàng loạt thương hiệu thời trang, sản phẩm âm nhạc, điện ảnh không ngừng tạo những “cơn sốt” trên mạng xã hội, cuốn hút giới trẻ và kéo theo những trào lưu trên thị trường. Liệu có thể đặt câu hỏi: “Cơn sốt” marketing dành cho một thương hiệu mà chúng ta, ai cũng là một phần của nó, yêu thương nó bao giờ sẽ thành hiện thực? Từ câu chuyện này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Khôi, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Nếu so với các thị phần khác trong thị trường quảng cáo và nội dung số, sự sáng tạo và đầu tư cho các chủ đề tôn văn hóa, bản sắc và du lịch Việt Nam còn quá hạn chế”.

giannan-anhghep-04.png

Những vấn đề đang tác động đến chủ thể sáng tạo sản phẩm văn hóa cũng đầy chất chứa. Theo Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc, Tổng đạo diễn Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa, Hà Nội cũng như cả nước còn quá ít sự kết nối với bên ngoài, chưa tạo được thị trường hay các điều kiện để nghệ sĩ “cọ xát” dẫn đến hạn chế trong sáng tạo và tầm nhìn. Có thể phải thú nhận một thực tế là chúng ta lạc hậu so với thế giới vài chục năm. Đội ngũ sáng tạo lạc hậu dẫn đến khả năng thưởng thức của khán giả cũng hạn chế. Các mô hình, nội dung chương trình khá cũ, an toàn cho doanh thu nên ít dám thể nghiệm, tìm tòi, sáng tạo và đưa ra cái mới. Điều này tạo nên thói quen ít chịu đón nhận cái mới của khán giả và mang lại hậu quả cho chính nghệ sĩ. Cũng theo nhạc sĩ này, những mô hình xưa cũ đã tạo nên một rào cản cho sự phát triển của các nghệ sĩ trẻ cũng như những khao khát sáng tạo tìm tòi mới lạ.

Điều này dường như lý giải cho nhận định từ PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Việt Nam chưa có nhiều tên tuổi, thương hiệu được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, ở lĩnh vực điện ảnh, nội lực chưa mạnh, số lượng phim đặt hàng của Nhà nước có thể ra rạp chỉ đếm được trên đầu ngón tay và đáng tiếc là hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả hạn chế, được mời xem miễn phí”.

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Nhất Hoàng chia sẻ câu chuyện đáng suy ngẫm: “Tôi từng đi xem nhiều chương trình nghệ thuật, sau đó có những trao đổi bên lề với đạo diễn, biên kịch chương trình. Khi được hỏi liệu các anh có bỏ tiền mua vé đi xem những chương trình tương tự, câu trả lời tôi nhận được đều là những cái lắc đầu. Có thể thấy, nhiều chương trình hiện giờ vẫn còn làm chưa tới, chưa tiệm cận với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, yêu cầu chất lượng nghệ thuật ngày càng cao của thị trường”.

giannan-anhghep-03.png

Là một trong rất ít những đại diện tiêu biểu của Việt Nam “chạm” vào ước mơ vươn tầm thế giới, với thương hiệu thời trang ngày càng được nhiều siêu sao quốc tế lựa chọn cho những dịp xuất hiện trang trọng, Nhà thiết kế thời trang Công Trí đã có hành trình hơn 20 năm tự tìm đường ra "biển lớn". “Sân chơi quốc tế luôn đòi hỏi sự công bằng. Để được lựa chọn, tôi cũng phải gửi hồ sơ của mình cho khách hàng cân nhắc, lựa chọn. Ngay cả khi họ đã chọn đặt đồ, cũng không có gì chắc chắn là đặt xong họ sẽ mặc. Nhưng tôi luôn sẵn sàng đón nhận mọi thử thách, chiến đấu mỗi ngày để có thể vươn xa hơn, vững mạnh hơn tại thị trường quốc tế”, Nhà thiết kế Công Trí bày tỏ.

Có thể nhận thấy, những sản phẩm điện ảnh, âm nhạc, thời trang… Việt trên thị trường quốc tế phần nhiều mang dấu ấn của những nỗ lực cá nhân. Còn trên bình diện chung, bất cứ lĩnh vực công nghiệp văn hóa nào của ta hiện giờ cũng tồn tại ít nhiều “điểm nghẽn” từ cơ chế thúc đẩy nguồn lực, đổi mới sáng tạo đến quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ, quảng bá… Trong khi chúng ta còn loay hoay với cơ chế, chính sách…, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tiếp tục có những bước tiến ngoạn mục.

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh: Bên cạnh những thành công và thuận lợi, Hiệp hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng như: Sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thủ công trong khu vực; chi phí sản xuất đầu vào ngày càng cao; thiết kế mẫu mã hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế hết sức khó khăn; việc mở rộng mặt bằng sản xuất để ứng dụng khoa học công nghệ và thiết bị tiên tiến còn nhiều trở ngại; chất lượng nguồn lao động trong các làng nghề còn yếu..., đồng thời ô nhiễm môi trường cũng đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Bài 1: Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội

Bài 3: Trông người lại ngẫm đến ta...