Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương thức đầu tư BT vẫn phát huy hiệu quả

Lương Linh| 05/09/2013 06:28

(HNM) - Cuối tháng 8-2013, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 5159/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao).

Phối cảnh đường trên cao.



"Chia lửa" cho ngân sách

Các dự án được triển khai theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) từng một thời rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Mô hình đầu tư này đã "chia lửa" cho ngân sách thành phố rất nhiều. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản (BĐS) hết cơn "sốt nóng", hàng loạt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang. Chỉ những tập đoàn, nhà đầu tư mạnh mới trụ vững để góp thêm cho Thủ đô những dự án, công trình tầm vóc.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội đang có 63 dự án BT được triển khai. Kết quả kiểm tra, rà soát mới đây cho thấy, đến thời điểm này có 5 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng: Bảo tàng Hà Nội, Cung Trí thức, đường trục phía Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài và Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở.

Trong số dự án còn lại, có dự án đang triển khai dở dang do ảnh hưởng về quy hoạch. Như dự án đường trục Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ) bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt, ảnh hưởng về quy mô, tính chất và một phần phạm vi tuyến đường; quỹ đất đối ứng cũng bị ảnh hưởng do nằm trong vành đai xanh. Dự án đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến Xuân Phương, quỹ đất đối ứng tại Khu đô thị Xuân Phương phải điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết do nằm trong hành lang xanh sông Nhuệ và cần xác định bổ sung quỹ đất đối ứng… Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đến nay đã thực hiện được trên 80% khối lượng nhưng quỹ đất đối ứng cho dự án hiện chưa xác định nên chưa triển khai thủ tục về quy hoạch chi tiết, đầu tư, giải phóng mặt bằng... Trên địa bàn thành phố còn khoảng 20 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng công tác triển khai còn chậm. Các nhà đầu tư đều cam kết với thành phố sẽ tiếp tục triển khai. 25 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhưng chưa lựa chọn nhà đầu tư…

Xung quanh việc chậm tiến độ triển khai dự án, nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất vẫn là ảnh hưởng từ dư chấn của thị trường BĐS. Khi BĐS đang trong thời "sốt nóng", người người, nhà nhà nhảy vào "săn" đất, "săn" nhà, việc nhảy vào các dự án BT của thành phố Hà Nội là phương thức nhanh nhất và thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư để giành dự án. Hà Nội được các công trình, DN được đất để đầu tư kinh doanh BĐS, tất cả đều có lợi. Thế nhưng, khi đất, nhà "đóng băng", không ít nhà đầu tư tính "bỏ của chạy lấy người". Những nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người" đều do năng lực tài chính, năng lực quản lý dự án… hạn chế, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ, thậm chí trở thành gánh nặng.

Hiệu quả nếu nhà đầu tư có năng lực

Tuy nhiên, trong "bức tranh" chung đó, có những nhà đầu tư đủ năng lực quản lý, có tiềm lực tài chính, sẵn sàng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những dự án hạ tầng giao thông cấp bách của thành phố. Và thành phố vẫn tiếp tục khẳng định các hình thức đầu tư BT, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), PPP (hợp tác công - tư) cho lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhất là những công trình, chương trình dân sinh cấp bách, luôn được quan tâm, ưu tiên, khuyến khích. Cuối tháng 8-2013, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 5159/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT do Tập đoàn Vingroup thực hiện. Tổng mức đầu tư khái toán của dự án là 4.765 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 3.152 tỷ đồng, từ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và huy động hợp pháp theo quy định. Phương thức thu hồi vốn đầu tư là nhà đầu tư được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 96ha tại khu Sài Đồng A (Long Biên) để thực hiện dự án khu đô thị mới. Hình thức quản lý dự án là nhà đầu tư thành lập DN dự án để thực hiện. Tiến độ dự án được ấn định từ năm 2013 đến năm 2016 (trong khoảng 48 tháng). Về quy mô dự án, theo quyết định của UBND thành phố, toàn tuyến có chiều dài hơn 5.081m, gồm cầu chính mặt cắt ngang 19m, cầu dẫn mặt cắt ngang 7m, kết nối với phần đường bên dưới tại đầu cầu Vĩnh Tuy, nút Ngã Tư Vọng, nút Ngã Tư Sở. Phần trụ cầu nằm trong dải phân cách giữa của tuyến Vành đai 2. Cao độ mặt cầu khoảng 11-12m, trong đó đoạn từ đầu tuyến (Vĩnh Tuy) đến Mai Động cao độ mặt cầu 10m và bảo đảm tĩnh không tối tiểu 4,75m tại giao cắt với tuyến đường sắt số 3. Tại nút Ngã Tư Vọng, phần cầu chính sẽ vượt qua cầu Vọng hiện tại và tuyến đường sắt số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi). Tại nút giao Ngã Tư Sở, tuyến sẽ tạm dừng ở trên cao trước nút và kết nối với đường bên dưới bằng 2 nhánh lên xuống hai bên đầu cầu. Thành phố khẳng định, mục tiêu của dự án là hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tuyến đường Vành đai 2, nhằm nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực, giải quyết cấp bách nạn ùn tắc giao thông do lưu lượng phương tiện gia tăng.

Sở GTVT đã được UBND TP Hà Nội giao rà soát năng lực nhà đầu tư do thành phố chỉ định, nhằm bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của dự án; chủ trì đàm phán, thương thảo hợp đồng BT theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền ký kết. Sở này cũng sẽ giám sát toàn bộ quá trình triển khai dự án.

Qua dự án này, có thể khẳng định hình thức đầu tư BT tiếp tục phát huy hiệu quả khi nhà đầu tư có đủ năng lực và có cùng mục tiêu vì sự phát triển của Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phương thức đầu tư BT vẫn phát huy hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.