(HNM) - Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, cung cấp 27 triệu việc làm cho các quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) và đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiến độ chiến dịch tiêm chủng chậm chạp, nhiều nước áp dụng phong tỏa trở lại... đang được xem là những trở ngại khiến ngành Du lịch của Lục địa già khó có thể phục hồi trong mùa hè năm nay.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các nước như Italia, Tây Ban Nha hay Pháp bị ảnh hưởng nặng nề vì nguồn thu phụ thuộc nhiều vào du lịch. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, mức suy giảm GDP trong năm 2020 là 12,4% ở Tây Ban Nha, 9,4% ở Pháp và 5,6% ở Đức.
Bước sang năm 2021, hy vọng phục hồi du lịch đang ngày càng mờ mịt do việc triển khai vắc xin phòng Covid-19 gặp khó khăn, dịch bệnh tái bùng phát và nhiều nước áp dụng phong tỏa trở lại. Thực tế, chương trình tiêm chủng của EU, được khởi động từ ngày 27-12-2020 song lại đang đối mặt với tình trạng chậm trễ và thiếu hụt nguồn cung vắc xin. Theo tính toán của Tập đoàn Bảo hiểm thương mại Euler Hermes, tỷ lệ tiêm chủng trung bình hằng ngày tại các nền kinh tế lớn của EU chỉ ở mức 0,12% dân số, thấp hơn 4 lần so với Vương quốc Anh và Mỹ. Số liệu do Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu tổng hợp cho thấy, chưa đến 5% công dân châu Âu được tiêm chủng phòng Covid-19 đầy đủ vì việc sản xuất và giao vắc xin bị đình trệ.
Quan ngại hơn, các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 cũng khiến các chính phủ châu Âu gặp khó khăn trong việc rút bớt các lệnh hạn chế hiện hành. Tình trạng phong tỏa hiện tại ở nhiều quốc gia có thể tiếp tục được gia hạn. Cổ phiếu hàng không và du lịch châu Âu đồng loạt giảm trong phiên ngày 19-3 sau khi chính phủ Pháp thông báo đưa 16 tỉnh, trong đó có thủ đô Paris, vào diện phong tỏa toàn bộ lần thứ 3. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Italia áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh và đi lại nghiêm ngặt trên diện rộng, bao gồm cả hai thành phố lớn là Rome và Milan.
Ông Oscar Arce, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cho biết: “Nếu tiêm chủng đạt mức độ cao vào tháng 6, mùa du lịch sẽ được cứu. Nhưng nếu nó bị trì hoãn đến cuối mùa hè, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong ba tháng đầy bất ổn đó, chúng tôi có rất nhiều nguy cơ đe dọa”. Còn các nhà kinh tế thuộc Tập đoàn Bảo hiểm châu Âu Allianz thì nhận xét, hết năm 2021, hoạt động khách sạn cùng với nhà hàng và du lịch mới có thể trở lại bình thường như trước khi có dịch.
Trong bối cảnh này, một số nước EU đang thúc đẩy và kỳ vọng việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” có thể cứu ngành Du lịch đang bị đóng băng, giúp nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ "đứng bên bờ vực". Được biết, kế hoạch sẽ được đưa ra thảo luận cụ thể trong một cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tuần này. Tuy nhiên, “hộ chiếu vắc xin” khó nhận được sự ủng hộ hoàn toàn vì các biến chủng Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh như biến chủng tại Anh, Nam Phi, Brazil và thậm chí có khả năng xảy ra các đột biến trong tương lai.
Dữ liệu mới công bố cho thấy đà suy thoái của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lún sâu hơn trong tháng 1-2021, khi các quy định phong tỏa xã hội được gia hạn tác động mạnh đến ngành dịch vụ, vốn thống trị nền kinh tế của khu vực. Trước mắt, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, không nên yêu cầu một chứng nhận vắc xin như điều kiện tiên quyết để đi du lịch quốc tế thì ngành công nghiệp không khói ở các nước châu Âu vẫn khó hy vọng đón một lượng lớn du khách trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.