(HNM) - Phú Xuyên từng được coi là điểm
Nhận thức rõ những mối nguy hại này, từ năm 2010 đến nay, huyện Phú Xuyên đã liên tục tuyên truyền, vận động và đến nay, tất cả lò gạch đã được tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu, bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão 2013.
Khu vực bãi sông Hồng xã Hồng Thái rộng hàng chục héc ta, một thời đã có hàng chục lò gạch hiện diện ở đây vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều. Đã nhiều lần, một số lò gạch ở xã Quang Lãng, Hồng Thái đốt nung gạch vào đúng thời kỳ lúa trổ bông làm "cháy" hàng chục héc ta lúa, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Những lò gạch không nằm trong hành lang thoát lũ, hành lang đê điều đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội để tiếp tục hoạt động trở lại ở xã Hồng Thái. Ảnh: Đỗ Chí |
Lò gạch, bãi chứa đất với quy mô lớn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ vi phạm của các lò gạch ngoài bãi sông trên địa bàn huyện Phú Xuyên và yêu cầu chính quyền địa phương giải tỏa. Tuy nhiên, trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, kết quả xử lý vi phạm của chính quyền địa phương, các cấp, ngành còn rất hạn chế. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Chí Quân, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản đôn đốc các ngành và chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm những tồn tại. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2012 trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số lò gạch ở xã Hồng Thái và Khai Thái. Trước sự "chây ỳ" của các chủ lò và sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương, ngày 17-12-2012, Huyện ủy Phú Xuyên đã chỉ đạo phải chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trước ngày 31-12-2012. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, các xã đã khẩn trương triển khai và đến tháng 4-2013, huyện Phú Xuyên cơ bản xóa toàn bộ lò gạch có ảnh hưởng đến môi trường và an toàn đê điều.
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có mặt tại xã Hồng Thái, "thủ phủ" lò gạch thủ công một thời, khung cảnh đã yên bình trở lại. Trên những khu lò gạch nham nhở trước đây, màu xanh của cây ngô, cây đậu tương và các loại rau màu đã dần phủ kín bãi sông hàng chục héc ta của thôn Duyên Trang và Lạc Dương. Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Nguyễn Văn Tấn cho biết, toàn xã có 19 cặp lò (tương đương 38 lò gạch thủ công), đến nay đã xóa được 15 cặp, còn lại 4 cặp của chủ lò Đặng Quốc Quân và Nguyễn Văn Hạnh không vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ, đã chuyển đổi công nghệ đun đốt, được UBND thành phố cho phép tồn tại đến tháng 7-2015. Hiện các lò vẫn dừng đun đốt từ năm 2012 đến nay để xin ý kiến các cơ quan chức năng và thành phố về công nghệ sản xuất bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Tấn, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nên công tác phá dỡ 15 cặp lò đã được chủ lò tự nguyện thực hiện từ tháng 7-2012 đến tháng 4-2013. Hai chủ lò là ông Phùng Văn Kết và Nguyễn Văn Phẩm mặc dù có hợp đồng đun đốt đến tháng 2-2014 nhưng được vận động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và họ cũng tự giác tháo dỡ. Mỗi chủ lò của xã Hồng Thái khi tự phá dỡ lò gạch thủ công được hỗ trợ 10 triệu đồng/cặp lò.
Ông Nguyễn Huỳnh, Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên cho biết, đến nay toàn huyện đã thanh lý và phá dỡ tất cả lò gạch thủ công trên bãi sông, trong đó phá dỡ 100% được 19 cặp lò; phá dỡ 50% là 14 cặp. Để chủ động giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động thường xuyên làm việc ở các lò gạch sau phá dỡ, huyện Phú Xuyên đã tăng cường công tác dạy nghề, truyền nghề thủ công ở các xã; chuyển đổi các khu lò gạch sang chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản... Theo ông Nguyễn Chí Quân, một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được huyện triển khai, trong đó huyện đã chuyển đổi từ sản xuất gạch sang kinh doanh bến bãi cho 4 chủ lò ở thị trấn Phú Minh và xã Văn Nhân với hình thức ký hợp đồng ngắn hạn kinh doanh 6 tháng, trừ những tháng mùa mưa bão; chuyển từ sản xuất gạch sang chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 6 chủ lò ở xã Quang Lãng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.