Giao thông

Phú Xuyên cần quyết liệt hơn trong giải phóng mặt bằng Dự án đường trục phía Nam

Bạch Thanh 27/03/2024 - 00:13

Nếu không gỡ được "nút thắt" đoạn qua địa phận huyện Phú Xuyên, Dự án khó cán đích vào năm 2025 như kế hoạch.

Dự án đường trục phía Nam Hà Nội dài 41,5km, do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm đầu tư, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 là doanh nghiệp dự án, có vai trò đặc biệt trong việc kết nối các huyện phía Nam Thủ đô như: Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... với nội đô. Được khởi công từ năm 2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2014, nhưng nay, dự án đã chậm tiến độ 10 năm, thực sự là điểm nghẽn về hạ tầng khiến các địa phương này khó thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đoạn qua địa phận huyện Phú Xuyên tuy chỉ dài 8,83km nhưng có ý nghĩa quyết định tới việc thông toàn tuyến. Hiện, việc vướng mặt bằng đang rơi vào điểm đầu và điểm cuối của Dự án, đoạn bắc qua sông Nhuệ, xã Hồng Minh và đoạn qua sông Nhuệ - địa phận xã Châu Can với diện tích chờ giải phóng mặt bằng là 114.974,0m2, trong đó có đất ở, đất giao trái thẩm quyền và đất nông nghiệp thuộc các xã: Hồng Minh, Phú Túc, Châu Can. Nếu không gỡ được nút thắt này, Dự án khó cán đích vào năm 2025 như kế hoạch.

Cần hài hòa lợi ích

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quang Thoàn, ở thôn Phù Bật, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) cho biết, gia đình ông là một trong gần 20 hộ dân được xã Hồng Minh giao đất giãn dân từ năm 1995. Gia đình đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay, vị trí đất thuộc diện phải giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án, ông và nhiều gia đình rất đồng tình, ủng hộ, song cũng mong cơ quan chức năng sớm thông qua phương án bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trên tinh thần đúng bản chất sự việc.

"Việc chủ đầu tư chậm triển khai dự án, chậm thông qua phương án bồi thường giải phóng mặt bằng 15 năm qua khiến người dân khổ trăm đường, giao thông đi lại khó khăn, đất thì không xây được nhà, giá cả nhà đất thì biến động qua các năm. Không biết tới đây, khi nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, gia đình tôi có đủ mua nửa suất đất như hiện nay, trong khi đây là tài sản tích cóp cả đời của gia đình...", ông Thoàn trăn trở.

phu-bat-hong-minh3.jpg
Ông Nguyễn Quang Thoàn ở xã Hồng Minh cho biết, dù đã tạm giao mặt bằng cho đơn vị thi công Dự án song chưa đồng tình với phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Theo nguyên Chủ tịch UBND xã Hồng Minh Nguyễn Hữu Phúc, đơn vị bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện đối chiếu việc nộp tiền sử dụng đất của các hộ dân thực hiện từ năm 1995 theo Quyết định số 47-QĐ/UB ngày 1-3-1995 của UBND tỉnh Hà Tây, quy định đối với vị trí đất loại II, hạng 1 bảng giá đất ven đường giao thông là 250.000 đồng/m2 (vị trí các hộ tiếp giáp Tỉnh lộ 429, trước là đường 73).

Theo đó, số tiền 5.000.000 đồng/suất các hộ đã nộp năm 1995-1996, nay được quy đổi tương ứng với 20m2. Đây là sự bất hợp lý, bởi giai đoạn này, khi xã Hồng Minh giao đất giãn dân cho các hộ đều qua bình xét, giá tiền 5.000.000 đồng/suất tại thời điểm đó là cao so với mặt bằng chung. Đáng lưu ý, nhiều nơi đất giãn dân cho các gia đình chính sách được tính bằng thóc, giá không cao.

gpmb-px1.jpg
Khu vực xã Châu Can còn một số hộ dân đang sử dụng trái quy định.

Một khó khăn khác là tại khu vực lòng dẫn sông Nhuệ - đoạn qua thôn Trung, xã Châu Can, một số hộ dân chiếm dụng trái phép hành lang sông Nhuệ để nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được chính quyền địa phương và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ xử lý dứt điểm.

Trong đó, hộ gia đình ông Lê Văn Luyện - người đang xây dựng công trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xây nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, tổng diện tích vi phạm 7.033,9m2 (thời điểm vi phạm năm 2005) - có một phần nằm trong phạm vi phải giải phóng mặt bằng thi công xây dựng cầu vượt bắc qua sông Nhuệ.

Từ năm 2023, UBND huyện Phú Xuyên và UBND xã Châu Can triển khai tuyên truyền, vận động, đối thoại nhằm phối hợp giải phóng mặt bằng nhưng gia đình ông Luyện không thực hiện khiến dự án bị chậm tiến độ thi công.

Đối với hơn chục hộ dân cũng trên địa bàn xã Châu Can có đất ở bị thu hồi vào Dự án thuộc diện tái định cư cũng trăn trở giá trị đất đai giữa "điểm đi" và "điểm đến". Ông Nguyễn Ngọc Khang (xã Châu Can) chia sẻ: "Với vị trí đất giáp QL1A, bà con sinh sống kết hợp kinh doanh hiệu quả, do vậy, khi Nhà nước thu hồi phục vụ Dự án, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, nhưng việc tái định cư cần bảo đảm tiêu chí bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

Cần phương án tháo gỡ thỏa đáng

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Minh Đặng Quang Duy, về vướng mắc liên quan đến 53 thửa đất tại thôn Phù Bật, đã có 23 hộ gia đình nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng; còn 30 hộ chưa nhận tiền. Băn khoăn lớn nhất là cách xác định nguồn gốc đất và phương thức quy đổi nghĩa vụ tài chính mà các hộ dân đã thực hiện. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, song địa phương cũng mong cơ quan chức năng xem xét vận dụng chính sách bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân.

mat-bang-px2.jpg
Dự án đường trục phía Nam Hà Nội qua địa phận huyện Phú Xuyên bị chậm tiến độ nhiều năm...

Đối với khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại xã Châu Can, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin: Ngày 14-3-2024, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành Quyết định số 970/QĐ/QĐ-KPHQ buộc ông Lê Văn Luyện phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm quy định của Chính phủ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Ngày 16-3-2024, UBND huyện Phú Xuyên ra Quyết định số 992/QĐ-CCTHĐ cưỡng chế thu hồi đất, giải tỏa tài sản đối với gia đình ông Luyện tại thửa đất số 03, tờ bản đồ số 63 (là đất thủy lợi do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phát triển thủy lợi Sông Nhuệ quản lý). Thời gian thực hiện cưỡng chế giải tỏa tài sản và thu hồi đất bắt đầu từ ngày 2-4-2024.

Đối với 2 hộ sản xuất - kinh doanh và 17 hộ đất ở của xã Châu Can không ký biên bản kiêm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất, dự kiến ngày 28-3-2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên sẽ hoàn thiện số liệu, phối hợp với UBND xã Châu Can tổ chức niêm yết công khai số liệu kiểm kê...

Khu vực xã Châu Can hiện vẫn còn một số hộ dân đang sử dụng trái quy định nhiều năm qua để nuôi trồng thủy sản nằm trong vị trí xây mố cầu vượt sông Nhuệ của Dự án
Khu vực xã Châu Can còn một số hộ dân đang sử dụng trái quy định.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết: Qua báo cáo của cơ quan chuyên môn và xem xét hồ sơ đất đai đối với các trường hợp đang sử dụng đất giao trái thẩm quyền, lãnh đạo huyện cùng cơ quan chức năng nghiên cứu, hướng dẫn địa phương thực hiện mức hỗ trợ, bảo đảm hài hòa lợi ích theo quy định. Bên cạnh đó, đối với trường hợp yêu cầu bồi thường không có cơ sở pháp lý, địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên cần quyết liệt hơn trong giải phóng mặt bằng Dự án đường trục phía Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.