(HNMO) - Trong những ngày đầu xuân Bính Thân, hàng vạn người dân trong và ngoài Thủ đô tấp nập đổ về phủ Tây Hồ (Hà Nội) để cầu may đầu năm mới. Năm nay, công tác tổ chức của địa phương đã có nhiều thay đổi giúp việc đi lễ của nhân dân được thuận lợi và thư thái hơn.
Được coi là điểm đến linh thiêng trong hệ thống đình - đền - chùa Hà Nội, Phủ Tây Hồ vào những ngày Tết luôn thu hút lượng khách hành hương khổng lồ.
Vào chiều mùng 1 Tết Bính Thân, Phủ Tây Hồ đã rơi vào tình trạng quá tải vì phải đón quá nhiều du khách. Còn trong sáng mùng 2 Tết, dù không tắc đường, nhưng lượng khách tới đây vẫn lên tới hàng ngàn người. Xe cộ ken kín các lối vào.
Năm nay, một nét rất mới là việc UBND quận Tây Hồ và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức trông giữ xe miễn phí cho người dân. Được biết giá gửi xe máy không tăng giá, chỉ 5.000 đồng/lượt. Riêng ôtô không mất phí, người đi lễ có thể chọn đóng góp tiền từ thiện nếu muốn.
Lực lượng trông giữ xe miễn phí là các chiến sĩ công an cùng một số sinh viên tình nguyện quận Tây Hồ.
Trong ngày mùng 2 năm nay, hiện tượng tắc đường đã không còn xảy ra do sự điều tiết hợp lý của các lực lượng chức năng cũng như ý thức tự giác của số đông.
Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán “Phong đài nguyên các” (Đài gió gác trăng), câu đối hai bên trụ nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh.
Con đường dẫn vào cổng phủ luôn đông vui, tấp nập.
Bước qua cổng tam quan là lỗi đi men theo hồ Tây dẫn vào khuôn viên phủ.
Biển người nườm nượp trên đường vào sân chính của phủ.
Không mấy ai đến Phủ Tây Hồ mà lại không thưởng thức món ăn đặc sản-thuỷ sản của Hồ Tây nhất là bún ốc. Từ con ốc đến nước riêu chua ở đây đều ngon không giống nơi nào, người ăn một lần nhớ mãi không quên.
Viết sớ cầu may măn đầu năm.
Châm nén hương đi lễ.
Nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, Phủ Tây Hồ được tin là một trong những chốn linh thiêng trong hệ thống đình, đền, chùa, phủ ở Hà Nội.
Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt.
Cũng theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh và trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, trạng thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi.
Do không chen được vào bên trong, nhiều người chọn cách đứng ngoài vái vọng.
Quang cảnh bên trong khuôn viên phủ Tây Hồ ngày đầu xuân.
Em bé theo bố mẹ đi lễ đầu năm mới Bính Thân.
Ghi lại khoảng khắc đáng nhớ đầu năm mới bên cây si cổ thụ (đã được công nhận là "cây di sản Việt Nam") trong khuôn viên phủ.
Lễ tùy theo tâm của từng người, có thể chỉ cần một nén hương, cũng có thể là một ít giấy tiền hoặc một bó hoa tươi đều được.
Phủ Tây Hồ đón khách thập phương quanh năm nhưng vào thời điểm đầu và cuối năm lượng du khách tới phủ làm lễ là đông nhất.
Lượng khách hành hương tới Phủ Tây Hồ sẽ còn kéo dài cho tới hết tháng Giêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.