Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phù hợp với lộ trình và mục tiêu đề ra

Hồng Hạnh| 11/02/2014 06:35

(HNM) - Mặc dù đã nhận được nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT và quy định về tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT công bố từ đầu tháng 1-2014, song với mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện trước khi công bố chính thức


Việc điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT được áp dụng từ năm 2014.Ảnh: Nhật Nam




Giảm số môn thi có khiến HS học lệch?

Theo dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, kỳ thi này sẽ giảm từ 6 môn thi bắt buộc như hiện nay xuống còn 5 hoặc 4 môn, trong đó phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) nhận được đa số ý kiến đồng tình nhằm giảm áp lực cho HS và tốn kém cho xã hội. Dù vậy, vẫn còn khá nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng liệu quy định này có dẫn tới tình trạng HS sẽ học lệch hay không. Giải đáp mối băn khoăn này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: Việc giảm số môn thi và HS được tự chọn môn thi là một bước tiếp cận yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT: "Bảo đảm cho HS có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng"; góp phần giảm áp lực cho HS, giảm tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, đánh giá được năng lực của HS, tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường theo tinh thần của Nghị quyết: "đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo".

Vì vậy, theo dự kiến điều chỉnh của Bộ, việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT không chỉ sử dụng kết quả thi mà có cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (với cùng trọng số 50%). HS muốn có hồ sơ dự tuyển ĐH tốt (gồm kết quả học tập tốt và kết quả thi tốt nghiệp tốt) thì HS sẽ có ý thức tự giác không thể học lệch mà phải nỗ lực học tập tất cả các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12. Việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với HS khi kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ phụ thuộc vào kết quả các môn thi như trước đây.

Ðể khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, Bộ GD-ÐT sẽ có nhiều biện pháp tích cực khác để tác động vào cách học của HS hiện nay, mà điển hình là ở đề thi. Cụ thể, đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường câu hỏi mở nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của HS vào giải quyết vấn đề theo quan điểm cá nhân với khả năng sáng tạo và lập luận phong phú của mỗi HS.

Dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH, CĐ


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển một lần nữa khẳng định: Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng cường độ tin cậy sẽ diễn ra đồng bộ với việc thực hiện tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thời gian tới và là nội dung được đề cập tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Theo đó, các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả học tập của HS ở THPT làm dữ liệu tuyển sinh. Như vậy, việc HS thi 2 môn bắt buộc (toán và ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn như phương án dự kiến của Bộ GD-ĐT sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực của HS và phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường. Theo lộ trình, trong những năm trước mắt, các trường ĐH có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp, bên cạnh việc sử dụng các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn… Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua đã có nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trong đó sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn để tuyển sinh. Đây là căn cứ thực tế cho việc triển khai điều chỉnh phương án này phù hợp với lộ trình và mục tiêu đề ra.

Cũng theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, với định hướng dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ thì việc điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT vào lúc này là cần thiết nhằm chuẩn bị tích cực cho việc đổi mới đồng bộ chương trình - sách giáo khoa mới theo hướng đánh giá được phẩm chất và năng lực HS thời gian tới. Việc điều chỉnh phương án thi và kiểm tra sẽ có tác động trở lại việc dạy - học ở các nhà trường. Đây vừa là giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục tâm lý học để thi của nhiều HS hiện nay.

* Việc chưa quy định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc hay tự chọn mà là môn thi khuyến khích chỉ là giải pháp tạm thời trong những năm HS chưa được học và kiểm tra, thi theo chương trình mới; là cách để các trường và HS không phải chịu áp lực dạy và học môn này trong khi chưa có điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, giáo viên… Đây là thời gian để các trường cử giáo viên đi học nâng cao năng lực cả về ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy; các cơ quan quản lý giáo dục có điều kiện tập trung vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp thi theo yêu cầu bảo đảm năng lực ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết).
* Việc điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT được áp dụng từ năm 2014 đến khi có HS lớp 12 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù hợp với lộ trình và mục tiêu đề ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.