(HNMO) - “Con tên là Bông ạ!” - Để có được câu nói tròn vành rõ chữ tưởng chừng rất đơn giản và hết sức bình thường kia, những đứa trẻ khiếm thính bẩm sinh như Bông đã phải khổ luyện “học phụ đạo” hàng tháng trời, thậm chí cả một năm.
Bản kế hoạch cá nhân được soạn thảo theo trình độ của từng cháu |
Từ trước đến nay, trẻ khiếm thính thường được “mặc định” đeo máy trợ thính, dùng ngôn ngữ cử chỉ và học ở những trường lớp chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật. Việc nghe, nói đã khó, việc học và hiểu được con chữ thông thường còn khó hơn gấp trăm lần. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, phương pháp cấy ốc tai điện tử đã xuất hiện ở Việt Nam và tỏ rõ hiệu quả trong việc hỗ trợ hồi phục thính lực cho những bé bị khiếm thính nặng và gần như vô phương cứu chữa.
Chi phí cho một ca cấy ghép thường rất cao, khoảng 500 – 600 triệu đồng do vậy không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi phẫu thuật. Và ngay cả khi đã thực hiện cấy ốc tai điện tử thuận lợi, bệnh nhi còn phải tiếp tục quá trình học nghe và học nói… Đến khi bé nghe nói được, phát triển ngôn ngữ gần như bình thường thì mới khẳng định ca phẫu thuật đã thành công.
Xuất phát từ nhu cầu trên, thời gian qua, mô hình các lớp học đặc biệt đã ra đời ở Hà Nội. Trong vai một phụ huynh đi xin học cho con, tôi đã có cơ hội được “mục sở thị” một lớp học thêm dành riêng cho trẻ khiếm thính bẩm sinh trên đường Đê La Thành, Hà Nội.
Một lớp thường có 12 - 15 cháu với 4 giáo viên đứng lớp và 1 phụ trách chung. Cháu Đ.T.Dương nhỏ nhất mới chỉ 2 tuổi rưỡi, lớn nhất là L.Đ 8 tuổi đang học lớp 3A trường Xã Đàn. Tùy theo độ tuổi, mức độ điếc nặng hay nhẹ, các cháu được chia thành từng nhóm khoảng 4 - 5 học sinh do một giáo viên đảm trách.
Phương pháp tiếp xúc cá nhân và tiếp xúc chung được đan xen nhằm giúp các bé vừa phát triển được kĩ năng nghe - nói, vừa hòa nhập được với tập thể. Một trong những nội dung quan trọng của quá trình giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính là hình thành và phát triển ngôn ngữ nói – phương tiện ngôn ngữ giao tiếp và tư duy.
Trong một buổi học, các bé sẽ được thực hiện các bài tập dùng lời nói kết hợp với mô tả hoặc hành động gắn với ngữ cảnh để giúp trẻ hiểu ngôn ngữ. Ngoài việc học hát, học múa tập thể tương tự ở các lớp mẫu giáo bình thường, mỗi trẻ sẽ có 1 tiếng “học tay đôi” với giáo viên theo một bản kế hoạch cá nhân được soạn riêng cho từng học sinh tương thích với độ tuổi, đặc điểm và khả năng của từng cháu.
Càng được phát triển khả năng ngôn ngữ sớm, trẻ khiếm thính càng có điều kiện hòa nhập cộng đồng |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.