Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam: Thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin

Hồng Sơn| 11/06/2016 08:37

(HNM) - Phòng vệ thương mại (PVTM) từ lâu đã là một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp (DN) các nước nhằm ngăn cản hàng hóa nước ngoài thâm nhập thị trường nội địa; hướng tới mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước. Song, DN Việt Nam lại đang tỏ ra bị động, yếu thế trước vấn đề này do còn thiếu kinh nghiệm và thông tin.

Nếu không nắm chắc công cụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ chính mình. Ảnh: Như Ý


Sự non kém về kinh nghiệm

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), khi hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, mức độ giao lưu, xuất nhập khẩu hàng hóa càng tăng mạnh. Đặc biệt, việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ đưa thuế suất giảm theo lộ trình, tiến dần về mức 0%, điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa nước ta với các đối tác quốc tế. Đây cũng là căn nguyên khiến các tranh chấp thương mại, khiếu kiện giữa các DN trong nước với DN nước ngoài diễn ra nhiều hơn so với thời gian trước.

Những năm qua, số DN Việt Nam bị kiện nhiều hơn nên "mệt mỏi" trước việc phải căng sức đối phó với các cuộc điều tra cũng như biện pháp PVTM do DN nước ngoài khởi xướng. Cụ thể, đã có 96 vụ điều tra của DN ngoại đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 53 lần DN nước ngoài áp dụng biện pháp PVTM. Thực tế cho thấy, DN nước ngoài nói chung, nhất là DN thuộc các nước phát triển, có trình độ, kinh nghiệm trong khiếu kiện để đấu tranh cho quyền lợi của mình, chủ yếu nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước của họ.

Ngược lại, DN Việt Nam mới thực hiện điều tra 6 vụ việc, trong đó áp dụng biện pháp PVTM đối với 4 vụ. Có 3 vụ áp dụng công cụ PVTM là tự vệ - công cụ đơn giản nhất, chỉ áp dụng được khi hậu quả đã nhãn tiền, đã có bằng chứng cụ thể và dễ thực hiện hơn cả (2 công cụ khác là kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp). Đây là kết quả rất nhỏ của DN Việt trong 10 năm qua. Điều đó cho thấy các DN Việt Nam chưa tận dụng được hết cơ hội, khả năng và sự bình đẳng để chủ động điều tra, khiếu kiện DN nước ngoài, bảo vệ quyền lợi của mình. Vì thế, DN Việt bị "người kiện" nhiều hơn đi "kiện người".

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu

Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng chủ yếu do chủ quan. Trước hết, phần lớn DN Việt chưa nắm bắt được thông tin, nhất là các quy định, thông lệ của vấn đề PVTM. Kết quả khảo sát năm 2015 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, 15% DN không biết gì về PVTM, 63% DN hiểu rất đại khái, 22% đã quan tâm ở các mức độ khác nhau… Điều đó dẫn tới khi bị tổn thất do hàng nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh, các DN trong nước tỏ ra lúng túng. Cụ thể, 3% DN được hỏi cho rằng có cảm thấy bị thiệt hại, 35% DN có thể có thông tin chính xác để đề nghị điều tra, hơn 50% DN xác nhận họ không thể biết là DN nước ngoài có được trợ cấp hay không.

Từ những thực tế này cho thấy, hầu hết DN Việt chưa quan tâm, thiếu ý thức cũng như năng lực để có thể chủ động tìm hiểu, theo đuổi ý định của mình một cách bài bản, tiến tới áp dụng công cụ PVTM. Ngoài ra, không ít đơn vị luôn có thói quen độc hành trên thương trường, không chủ động chia sẻ thông tin với nhau nên khi nảy sinh vấn đề càng "bí". Sự yếu kém về năng lực của DN, chủ yếu do hạn chế về ngoại ngữ, kiến thức pháp luật, trong đó nhiều DN chưa có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Cuối cùng là hạn chế về tài chính, bởi muốn đi đến cùng một vụ việc luôn cần chi phí không nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI nhận xét: Về khách quan, để thực hiện điều tra, tiến tới áp dụng các công cụ PVTM không đơn giản, đòi hỏi sự đồng bộ, chi tiết về pháp luật trong khi các quy định liên quan đến PVTM của ta chưa đầy đủ. Đặc biệt, do những yêu cầu hoặc quy định của các ngành, nhất là đối với cơ quan hải quan thì việc công bố thông tin, số liệu xuất nhập khẩu cho DN là điều không dễ, bởi cán bộ hải quan thường "dị ứng" trước đề nghị này từ phía DN. Đây là thực tế, nhưng khó giải quyết nên DN bị động về số liệu. Bên cạnh đó, nếu đi đến một cuộc điều tra thì kết quả cuối cùng cũng phụ thuộc khá nhiều vào trình độ, cũng như đạo đức của người thực hiện điều tra. Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, rất cần có cơ chế, sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng cho DN trước và trong quá trình điều tra, tiến tới khởi kiện. Điều này là cần thiết vì bản chất PVTM rất phức tạp, trong khi DN thường thiếu kinh nghiệm để xử lý suôn sẻ các vấn đề liên quan.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, hiện DN nội vẫn hành xử rời rạc, thiếu tính liên kết để hỗ trợ nhau, tạo sức mạnh tổng hợp mặc dù có chung hoàn cảnh, quyền lợi. Hoạt động của các hiệp hội ngành hàng cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tư vấn, vai trò đại diện, tập hợp cho cộng đồng DN. Do đó, việc bổ sung thêm chức năng, tăng cường trình độ của hiệp hội là vấn đề cấp thiết - điều kiện quan trọng giúp DN trong PVTM.

Bà Trần Đỗ Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan chức năng đang nghiên cứu soạn dự thảo một luật mới dựa trên các pháp lệnh về PVTM đã ban hành nhằm tăng cường khả năng bao quát, đầy đủ chi tiết, tăng hiệu lực quản lý đối với vấn đề này theo hướng toàn diện, phù hợp với yêu cầu trong nước cũng như thông lệ quốc tế. Từ đó, DN ta sẽ có thêm cơ hội sử dụng công cụ PVTM một cách dễ dàng và hiệu quả hơn… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam: Thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.