Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng và chống lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền

Tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai| 13/08/2019 07:31

(HNM) - Lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền để mưu lợi cá nhân, nhóm lợi ích là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn hoặc quyền lực luôn có tính chất nguy hiểm, tác động xấu, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Làm thế nào để phòng, chống lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Học tập nghị quyết giúp đảng viên nâng cao nhận thức về phòng và chống lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền.    Ảnh: Bá Hoạt

1. Khi lạm quyền, chủ thể nắm quyền tự cho mình thêm những quyền mà họ không có khi được trao quyền. Sự “tạo thêm” này là “làm những việc vượt quá quyền hạn của mình”, lấn át cả cấp trên. Đối với sự lộng quyền, chủ thể của quyền lực thể hiện tính liều lĩnh, khi “làm” mà không cần biết hậu quả xảy ra thế nào. Để lợi dụng quyền, các chủ thể quyền lực dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để mưu lợi riêng, làm trái công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…

Biểu hiện cụ thể của lạm dụng quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền trong thực tế rất đa dạng. Trong công tác cán bộ, đó là hành vi chạy tuổi, chạy quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ thần tốc nhưng vẫn “đúng quy trình”...

Trong xây dựng, ban hành một số chính sách, pháp luật là “cài cắm” vì lợi cho nhóm lợi ích của mình, địa phương mình mà không vì đại cục; tạo cơ chế xin - cho, duyệt - cấp. Đó còn là các biểu hiện như chạy cơ chế, chạy chủ trương, chạy thủ tục, chạy cấp phép; trên báo chí là “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ”...

Những biểu hiện này không còn là hiện tượng đơn lẻ mà ngày càng trở thành vấn nạn. Tuy xảy ra ở những nơi và thời điểm khác nhau, với các mức độ biểu hiện khác nhau, song tựu trung thì đó là sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Vấn nạn này không chỉ làm mất đi tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn làm cho nhân dân bức xúc, không tin, không phục, dẫn đến rạn nứt niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền, vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước...

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu và chỉ rõ sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền của những người được trao quyền hoặc cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đảm nhiệm các vị trí có quyền tại các cơ quan công quyền. Những vấn đề này được Người nêu rõ trong một số tác phẩm, tiêu biểu như: Chính phủ là công bộc của dân (19-9-1945); Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17-9-1945); Sao cho được lòng dân (12-10-1945); Bỏ cách làm tiền ấy đi (17-10-1945)...

Trong đó, Người chỉ rõ những người lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền hạn, chức vụ được giao đã cậy thế, kiêu ngạo, địa phương chủ nghĩa, bè phái, quan liêu, hẹp hòi, vô kỷ luật, tham lam, lãng phí của công, tự tư tự lợi... trong thực thi nhiệm vụ. Đó chính là sự tha hóa, là sự “muôn màu muôn vẻ” của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thực tế có không ít người trong số cán bộ này phần vì non kém trình độ nên mắc sai lầm, dễ bị thao túng, lợi dụng. Song, đa số là những người đã từng trải về chính trị, có kinh nghiệm thực tiễn nhưng đã bị “bắn” gục bởi những “viên đạn bọc đường”. Họ đã lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật; kẽ hở của công tác quản lý mà lạm dụng quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền để mưu cầu và chạy đua vì chức quyền, danh lợi dẫn đến vi phạm pháp luật, sa vào tham ô, tham nhũng... Việc từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự, trong đó không ít người bị kỷ luật do có liên quan đến lạm quyền, lộng quyền dẫn đến tham nhũng đã cho thấy tính nguy hiểm của vấn đề…

2. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nêu rõ vấn nạn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền khi nhận diện 27 biểu hiện suy thoái.

Trong đó, nghị quyết chỉ ra những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi..., nhất là sự thao túng trong công tác cán bộ, cũng chính là thao túng quyền lực. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019) cũng đã nêu rõ 15 điều cấm cán bộ, đảng viên, công chức; trong đó có nhiều nội dung liên quan, cụ thể hóa những biểu hiện của sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền.

Điều này cho thấy, để ngăn ngừa sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật; gắn phòng, chống lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng cần phải đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên...

Trong đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ; xây dựng cơ chế, chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực minh bạch.

Đặc biệt là có cơ chế phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên để nâng cao hiệu quả sự kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa, phòng và chống sự tha hóa vì quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng và chống lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.