Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong trào thi đua tại thành phố Hà Nội: Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Hiền Thu| 09/12/2020 06:11

(HNM) - Thời gian qua, phong trào thi đua của các cấp, ngành thuộc thành phố Hà Nội ngày càng sôi nổi, thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đó là hiệu quả của việc chú trọng nhân rộng các phong trào hay, mô hình tốt cũng như các cá nhân tiêu biểu.

Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) là một trong những đơn vị đi đầu phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Hà Nội, năm 2018 đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: TTXVN

Sôi nổi các phong trào thi đua

5 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại huyện Thạch Thất. Đó cũng là thời gian phong trào thi đua của huyện có nhiều đổi mới, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiêu biểu là từ Đề án “Mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, giai đoạn 2016-2020”, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình trồng hoa, nấm, rau hữu cơ hiệu quả tại các xã: Đại Đồng, Hương Ngải, Yên Trung, Dị Nậu…

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Mùng Chín, kinh tế của huyện 5 năm qua tăng trưởng bình quân 14,7%/năm, vượt mục tiêu 2,02%. Đó là kết quả của các phong trào thi đua luôn hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất.

Phong trào thi đua tại Hà Nội cũng diễn ra sôi nổi trong công tác cải cách hành chính. 3 năm qua, chị Nguyễn Thị Vân Anh, công chức tư pháp UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) thường xuyên nhận được đánh giá “Rất hài lòng” từ người dân sau khi làm thủ tục hành chính. Có được kết quả này là do chị Vân Anh nắm chắc chuyên môn, luôn hòa nhã trong giao tiếp, ứng xử. Đặc biệt, chị chủ động thực hiện tốt các mô hình thi đua của phường như: “Bộ phận “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”, “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”.

Trong năm 2020, các chi hội phụ nữ của phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có nhiều hoạt động thi đua thiết thực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như tặng 700 khẩu trang vải, 500 chai nước sát khuẩn cho cán bộ, hội viên và nhân dân. Ngoài ra, các hội viên còn làm 700 mũ chắn giọt bắn tặng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Giáp Bát Đào Thị Thanh Thảo, hội viên chính là những tuyên truyền viên hiệu quả tới các thành viên trong gia đình, hàng xóm, góp phần vào thành công chung của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp đã giúp thành phố Hà Nội đạt hiệu quả rõ nét trong các phong trào thi đua yêu nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… Kết quả, 5 năm qua, toàn thành phố đã có 3.721 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; 42.556 tập thể, cá nhân được UBND thành phố khen thưởng qua các phong trào thi đua đột xuất, định kỳ.

Phong trào thi đua tạo động lực cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến trong điều trị cho trẻ sơ sinh. Ảnh: TTXVN

Nhân rộng và lan tỏa

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) Nguyễn Công Bằng, trong danh sách đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (chính thức khai mạc ngày mai, 10-12), Hà Nội đã lựa chọn hơn 20 cá nhân ở nhiều ngành, nghề; đồng thời các bộ, ngành Trung ương cũng giới thiệu 30 cá nhân tiêu biểu đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Đó chính là “những bông hoa đẹp” tiêu biểu của thành phố chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Tiếp bước thành công, nhiệm vụ thi đua 5 năm tới của thành phố Hà Nội sẽ gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thành phố Hà Nội cũng đã xác định 5 trọng tâm cần thực hiện của công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025. Trong đó, nhấn mạnh việc khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong mỗi cá nhân, mỗi đơn vị và trong cộng đồng, đưa thi đua trở thành biện pháp quan trọng nhằm xây dựng con người mới, xây dựng Đảng bộ, chính quyền Thủ đô ngày càng vững mạnh.

Để thực hiện tốt các phong trào thi đua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, Mặt trận các cấp sẽ chủ trì, phối hợp thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Thanh Trì Tạ Thu Sa cho biết: “Bám sát chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tôi sẽ chủ động phát huy những kỹ năng, kinh nghiệm mình đã có, tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo các liên đội đẩy mạnh thi đua, giúp các đội viên vừa có kỷ luật tốt, vừa biết sống nhân ái với bạn bè”.

Xác định công tác thi đua là hoạt động tốt nhất để tạo động lực phát triển, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định, mục tiêu xây dựng và phát triển đơn vị ngang tầm với các bệnh viện chuyên ngành trong khu vực, áp dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu điều trị kỹ thuật cao của người dân. Đây là đích để các phong trào thi đua của bệnh viện hướng tới trong giai đoạn 2020-2025.

Sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào thi đua yêu nước ngay từ những công việc hằng ngày của các đơn vị, cá nhân sẽ là động lực góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào thi đua tại thành phố Hà Nội: Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.