(HNNN) - Rồi Trụ Vương sai móc trái tim của Tỷ Can cho ông ta xem. Sống chung với một kẻ như thế, trách nào phí đời một trung thần! Đáng ra, phải Hoán từ lâu rồi mới phải.
Hình ảnh một ngôi chùa trên núi cao, là sự chân - thiện, khác biệt hẳn với hiện thực xã hội. Con đường hướng tới cái thiện, được thể hiện bởi con khỉ do nhà sư dẫn lối và được giúp sức qua hình ảnh vị thần hiện ra trên mây. Hoán có nghĩa là tan ra, chia rẽ đôi dòng, như cánh buồm lướt trên mặt nước. Nhưng, Hoán cũng muốn đề cập đến vấn đề lòng người ly tán, chia rẽ tan tác. Vì vậy, trước khi đón nhận thời cơ, để hướng tới thành công, điều cần thiết là phải suy xét cẩn thận thiệt hơn. Hoán là tượng gỗ trôi trên mặt nước, cũng là tượng con thuyền.
Theo Thuyết văn, Hoán là chảy đi, ly tán, thuyền rời bờ nên là hoán. Quẻ Hoán có triệu là cách hà vọng kim (nhìn thấy vàng bên kia sông). Màu sắc quẻ này là xanh lục - xanh lơ, tạo cảm giác cô đơn khó tả hoặc lạnh lùng, hoang mang. Nhân tâm ly tán - thế cục phân chia, vốn là vấn đề thường gặp trên đời. Trong từng giai đoạn lịch sử, điều này càng được thể hiện rõ nét nhất. Trong các tổ chức, tập thể, cơ cấu, hệ thống, thì sự mất đoàn kết sẽ gây ra phân hóa, chia rẽ nội bộ. Nguyên nhân của sự chia rẽ bao gồm, mâu thuẫn lợi ích, chủ quan thiếu thực tế, lãnh đạo vô nguyên tắc, mục tiêu không thống nhất... Vì vậy, cần có những giải pháp đối phó với sự chia rẽ, ly tán cả tinh thần và lực lượng:
1. Cần phát hiện sớm và ngăn chặn sự chia rẽ. Nếu để hiện tượng này phát triển tự do, nó sẽ gây hậu quả khôn lường. Mà muốn không có chia rẽ, cần phải biết và hiểu khái niệm đại đồng để gìn giữ sự hòa đồng, thống nhất. Sách Lễ ký viết: Đường lối chính trị rất cao cả, mà thực hành thì thiên hạ phải là của chung, không một người nào, hay nước nào được nhận thiên hạ là của riêng mình. Kén chọn người có đức vọng làm lãnh đạo, dùng người có tài năng để ra gánh vác. Giao thiệp đi lại với nhau có chữ tín, lỡ có hiểu lầm nhau phải phân trần. Ăn ở đối đãi với nhau cần phải hòa, lỡ có chênh lệch phải sửa đổi... Của ở trên mặt đất, hay dưới mặt đất đáng ghét nhất là ngu dại, bỏ phí hoài, không biết tăng gia, không biết khai thác, không biết lợi dụng. Có biết mà làm được, cần phải cùng dùng, cùng hưởng, chớ có vơ cả làm của riêng. Đã là người thì chẳng nhiều cũng ít, ai cũng có sức lực và năng lực. Đáng ghét nhất là lười biếng, chỉ thích ỷ lại hay sai khiến, không chịu dùng sức mình để tự cung tự cấp, không chịu đem năng lực để đảm nhận công việc chung. Việc dùng sức lực, hay năng lực cần phải cống hiến cho quần chúng, chớ có làm riêng cho bản thân, là cá nhân. Đại khái như thế mới là đại đồng, như thế mới tạo ra đoàn kết, không chia rẽ.
2. Phải tìm chọn những người đồng chí hướng, trung thành với mình để làm nòng cốt. Muốn vậy, phải phân biệt rõ kẻ tiểu nhân và người quân tử. Sách của Tuân Tử chép: Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta. Người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta. Còn người nịnh hót ta, lại là người hại ta vậy. Cho nên, người quân tử trọng thầy, quý bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải, mà không chán, nghe lời can, mà biết tự răn. Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta hơn không phục, không bằng lòng. Thân với kẻ xiểm nịnh, xa cách người can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê. Thế thì dù muốn không dở cũng không được.
3. Phải cố gắng giải tỏa được nghi kỵ, ngăn được sự chia rẽ, phân hóa. Phải lựa chọn cách không ra đi có lợi nhất. Nếu phải đối mặt với kẻ muốn chia rẽ, thì phải cương quyết xử lý, để đạt được mục đích mình theo đuổi. Sách sử chép khi Hốt Tất Liệt làm vương ở Quan Trung, vẫn bàn chuyện thiên hạ với một số người Hán như Diêu Xu. Có kẻ vu cáo Hốt Tất Liệt kết thân với người Hán để mưu đồ tạo phản. Anh trai của Tất Liệt là Hiến Tông sinh nghi, đã cho thẩm vấn, điều tra rất quy mô và xử tử những người liên quan đến vụ này. Tất Liệt được Diêu Xu khuyên rằng: Nếu xa lánh sẽ có tai họa - Tốt nhất là về Kinh đô chung sống với hoàng đế thì sẽ giải tỏa nghi ngờ. Thế là Tất Liệt đưa cả nhà về Kinh thành. Quả nhiên, Hiến Tông đã cho đình chỉ điều tra em mình. Sau này, khi Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế, lại phải đối mặt với hai người cháu là Hải Nhãn và Hải Đô làm phản, muốn tách ra khỏi vương quốc. Ông đã kiên quyết phá tan 30 vạn phản quân, diệt mấy người cháu để củng cố địa vị của mình.
4. Muốn thu phục, tập hợp mọi người quanh mình, thì không những phải có uy tín tuyệt đối và năng lực nổi bật, mà còn tạo lòng tin về sức mạnh của mình đối với họ. Thời Tam quốc, Mạnh Hoạch ở Tứ Xuyên làm phản. Gia Cát Lượng đã dẫn quân đi thảo phạt, dùng mưu bắt được Hoạch, nhưng y không phục, nói rằng vì bị mai phục nên mới bị bắt. Gia Cát Lượng thả y ra để chứng minh khả năng. Hoạch thu thập tàn binh, xây căn cứ tử thủ tại Lô Thủy, nhưng Gia Cát Lượng đã nhanh hơn, tập kích bắt Hoạch lần 2, nhưng y vẫn không phục. Gia Cát Lượng lại thả, rồi bày trận đánh bắt lại như vậy cả thảy 7 lần khiến các tướng sĩ thắc mắc. Gia Cát Lượng giải thích: Mục đích lần viễn chinh này là khiến cho các dân tộc thiểu số vùng Trung Nam tâm phục khẩu phục, mà không làm phản nữa, vậy nên cách đánh vào lòng người mới là thượng sách, đánh thành là hạ sách. Quả nhiên, sau mấy lần được thả, Hoạch rất xấu hổ, quỳ xuống đất, xé một bên tay áo để lộ cánh tay trần, nhận tội với Gia Cát Lượng và nguyện đời đời kiếp kiếp nhớ ơn. Sau đó, Gia Cát Lượng giao cho Hoạch làm thủ lĩnh các dân tộc thiểu số ở đây. Vùng đất này từ đó yên ổn.
5. Trong quá trình gây dựng cơ đồ, sự nghiệp cho người khác, cần phải có sự đánh giá, lựa chọn chính xác về con người, đừng lầm lẫn với kẻ cơ hội, ăn rồi đá bát. Hàn Thi ngoại chuyện chép rằng, thời Xuân Thu, Dương Hổ làm tướng nước Vệ bị tội phải chạy trốn sang nước Tần, gặp Triệu Giản Tử ca thán rằng: Từ nay trở đi, ta nhất quyết không gây dựng cho ai nữa. Triệu hỏi nguyên cớ thì Dương nói: Khi ở nước tôi, tôi gây dựng cho quá nửa số các quan hầu cận nhà vua, quan ở triều đình, quan ở biên thùy. Thế mà bây giờ, quan hầu cận nhà vua gièm pha tôi, quan triều đình đem pháp luật trị tội tôi, quan biên thùy dùng binh khí bắt ép tôi. Thế nên từ nay không gây dựng cho ai nữa. Triệu Giản Tử trả lời rằng: Ông nói câu ấy thì lầm. Ai trồng cây đào, cây mận thì mùa hè được bóng mát nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn. Ai trồng cây lê dại, thì mùa hè không có bóng mát, mùa thu chỉ được chông gai. Như vậy là cây do mình trồng từ trước chứ? Nay ông đến nỗi như thế là vì ông gây dựng toàn cho những kẻ không ra gì cả. Cho nên người quân tử phải chọn người trước, rồi mới giúp đỡ gây dựng sự nghiệp.
6. Những trường hợp không thể dung hòa để đoàn kết, góp ý để thay đổi, thì phải nhanh chóng, dứt khoát tách rời quan hệ để tránh bị hiểu lầm, vạ lây, thậm chí mất mạng. Đời Ân Thương, Trụ Vương cậy tài năng và sức lực hơn người nên coi trời bằng vung. Kể từ khi có thêm mỹ nhân Đắc Kỷ thì bỏ bê triều chính suốt ngày đêm mở tiệc hành lạc. Ai can ngăn đều bị khép tội chết. Chú của vua là Tỷ Can khuyên can nhiều lần không được còn khiến Trụ Vương khó chịu, càng uống rượu và ôm gái nhiều hơn. Đúng hôm nhận được tin Chu Vũ Vương tạo phản, đang uống rượu giải sầu, thì Tỷ Can lại góp ý khiến cho Trụ Vương lên cơn giận dữ, hất rượu vào mặt Tỷ Can mắng rằng: Ngươi là loại quân tử giả. Quả nhân đã biết lòng dạ của ngươi rồi. Quả nhân càng xấu xa, ngươi càng đạo mạo. Ngươi cho rằng, ta không biết ngươi thấy ta đáng thương sao? Ngươi ra vẻ cung kính, chính trực, chẳng qua là mượn sự sa sút của ta để làm nổi bật lên ngươi là hiền tài. Ngươi lấy phúc của ta, mọi người sẽ tôn ngươi lên làm vua, sẽ coi ngươi là hiền nhân. Nghe nói trái tim của thánh nhân có bảy lỗ, ngươi bình thường vẫn là thánh nhân, chắc không ngoại lệ. Người không thể dừng việc khuyên ta móc trái tim ra cho ta xem ngươi có giữ đạo làm thần không? Rồi Trụ Vương sai móc trái tim của Tỷ Can cho ông ta xem. Sống chung với một kẻ như thế, trách nào phí đời một trung thần! Đáng ra, phải Hoán từ lâu rồi mới phải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.