(HNM) - Bệnh đột quỵ não được xem là một trong những bệnh gây nguy cơ tử vong hàng đầu hiện nay. Tại TP Hồ Chí Minh, hằng năm căn bệnh này đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng và một con số tương đương bệnh nhân (BN) phải chịu cuộc sống tàn phế suốt đời. Còn ngành y tế vẫn đang phải "đau đầu" trong việc tìm phương pháp điều trị tối ưu nhất.
TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (BVND 115) cho biết, số người mắc bệnh gia tăng đột biến qua từng năm: năm 2005 - 2006, BVND 115 tiếp nhận khoảng 2.000 BN điều trị/năm, thì chỉ 10 tháng năm 2012 đã có tới 7.000 - 8.000 ca đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 20 - 30%, tỷ lệ tàn phế trên 50%.
Điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ não. |
Đáng lo ngại, số lượng BN đột quỵ trẻ tuổi nhập viện đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7% đến trên 3%. Trước đây, BN đột quỵ thường phải từ 50 tuổi trở lên thì nay đang trẻ hóa dần, từ 40 tuổi trở xuống, kể cả tại độ tuổi đôi mươi, phần lớn tập trung tại các TP lớn. Tại khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TP mỗi tháng có trên 50 ca bệnh lý mạch máu não, trong đó có cả những BN khoảng 30 - 40 tuổi, thậm chí có vài BN mới 20 tuổi. 10% bệnh nhân đột quỵ tại BVND 115 cũng có độ tuổi dưới 40.
Thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não (HPCTBMMN) Việt Nam, ở nước ta mỗi năm có 200 nghìn BN bị đột quỵ, một nửa số đó đã tử vong. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 20 nghìn người mắc bệnh, trong đó hơn 1.000 trường hợp tử vong.
Ông Phan Văn Báu, Phó giám đốc Sở Y tế TP cho hay, hiện nay trên địa bàn TP mới chỉ có 6 khoa chuyên biệt nghiên cứu và chữa bệnh đột quỵ không đủ đáp ứng hàng chục nghìn người mắc bệnh hằng năm. Tuy nhiên theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, hiện nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nhất có khả năng cứu chữa triệt để bệnh đột quỵ.
GS-TS Lê Văn Thành, Trưởng khoa bộ môn thần kinh, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP nhận định, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhưng người nhà lại coi đó là trúng gió và mặc sức cạo gió, châm cứu mà bỏ qua việc cấp cứu trong thời gian đầu. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc như bị bại liệt, thậm chí tử vong. Thế nên giải pháp tốt nhất vẫn là phòng ngừa từ xa bằng cách kiểm soát, sử dụng các thuốc huyết áp, tiểu đường, các loại thuốc tim mạch… khi có những biểu hiện mắc bệnh cần phải theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Hiện các chuyên khoa điều trị đột quỵ đang áp dụng biện pháp điều trị rTPA (điều trị tiêu huyết khối) nhằm tiêu sợi huyết tĩnh mạch bị tắc trong não. Cụ thể, trong vòng 3 giờ đầu sau khi BN khởi phát triệu chứng, nếu được điều trị bằng phương pháp rTPA sẽ có hiệu quả cao. Phương pháp khác là chọc hút trực tiếp cục máu đông (gọi tắt là Prenumbra) cũng đem lại nhiều kết quả khả quan. Kỹ thuật này nhằm đưa một ống hút chọc thẳng vào não trúng vị trí cục máu đông làm tắc động mạch và hút ra, giúp mạch máu não của BN được tái thông hoàn toàn. Nếu được cấp cứu trong khoảng "thời gian vàng" (tức 3 giờ đầu khi bị đột quỵ) thì với phương pháp trên, chỉ sau 5 giờ, BN sẽ tỉnh táo, sức khỏe dần ổn định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.