(HNM) - Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, có nhiều mặt đạt kết quả cao hơn năm trước. Tuy vậy, tham nhũng cũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng cần tích cực triển khai các biện pháp phòng, ngừa từ sớm, từ xa để ngăn chặn ngay từ đầu, không để hành vi phát sinh rồi mới xử lý.
Những bước đi chắc chắn
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước là nhận định được Chính phủ khẳng định mới đây. Nhiều dẫn chứng được đưa ra, đó là, ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập ở các địa phương. Chính phủ đã ban hành 112 nghị định, 171 nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 31 quyết định, 23 chỉ thị về quản lý, điều hành, tạo cơ sở chính trị pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn... Cũng trong năm 2022, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng, tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm 2021.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong kỳ báo cáo, Thanh tra Chính phủ thông tin, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Đến nay, có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỷ đồng, chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022, có 19 người đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người.
Tập trung hoàn thiện khung thể chế
Rõ ràng, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm hoạt động của các cơ quan tư pháp còn hạn chế, kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, tham nhũng cũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Thực tế cho thấy, một số hành vi tham nhũng tồn tại nhiều năm trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục bị “chỉ mặt, gọi tên” như: Thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế. Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan...
Cho rằng tham nhũng chủ yếu xảy ra với những công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn, theo luật sư Nguyễn Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội), cần tăng cường công tác giám sát xã hội, đề cao hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, phòng ngừa từ sớm, từ xa. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt công khai thông tin, nhất là thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị… để hạn chế phát sinh cơ hội tham nhũng.
Hiến kế phát hiện tài sản bất minh và không trung thực trong các bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, bên cạnh việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập thì cần phải đa dạng hình thức công khai, minh bạch đối với bản kê khai tài sản, thu nhập, mở rộng khả năng tiếp cận, kiểm tra, giám sát từ nhiều phía. Có thể công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trên cổng - trang thông tin điện tử hoặc niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Cùng với đó, xây dựng, vận hành thực chất những cơ chế tiếp nhận và xử lý đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tố giác về các hành vi gian dối, vi phạm pháp luật trong việc kê khai tài sản, thu nhập.
Trong bối cảnh hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát các quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những bất cập và kịp thời khắc phục, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu, đấu thầu, đấu giá, mua sắm, quản lý tài chính công, sử dụng đất đai, quy hoạch… Qua đó, từng bước khép lỗ hổng, ngăn chặn vi phạm pháp luật, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đây là những bước đi chắc chắn, hướng tới hoàn thiện khung thể chế để cán bộ không dám, không thể và không muốn tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.