Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa pháo nổ dịp cuối năm: Quản lý chặt địa bàn giáp ranh

Tiến Thành| 21/12/2019 07:47

(HNM) - Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp quyết liệt xử lý việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ các loại, nhưng vì lợi nhuận cao nên tình trạng này vẫn tồn tại, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Xử lý nghiêm, quản lý chặt địa bàn - đặc biệt là các khu vực giáp ranh, kết hợp tăng cường tuyên truyền về tác hại pháo nổ là giải pháp được cơ quan chức năng Hà Nội đưa ra khi Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đang đến gần.

Đối tượng và tang vật một vụ vận chuyển pháo trái phép bị lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội phát hiện, thu giữ.

Diễn biến còn phức tạp

Ngày 17-12 vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang Phạm Đức Biên (sinh năm 2002, trú ở huyện Mê Linh) có hành vi mua bán trái phép 6,5kg pháo nổ tại địa bàn phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Tại cơ quan công an, Biên khai nhận mua số pháo trên của Nguyễn Thành Danh (sinh năm 1984, trú ở huyện Mê Linh). Khám xét khẩn cấp nhà đối tượng, Công an quận Bắc Từ Liêm thu giữ 14,2kg pháo nổ... Trước đó, ngày 15-12, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng phát hiện Phạm Liêm (sinh năm 1985, trú ở huyện Đông Anh) có hành vi mua bán 6,5kg pháo nổ.

Theo Công an thành phố Hà Nội, 4 tháng qua, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện 6 vụ mua bán, vận chuyển trái phép 256kg pháo nổ các loại. Thiếu tá Trần Tú Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, nếu như trước đây pháo được thẩm lậu mạnh vào thành phố dịp gần Tết thì nay các đối tượng vận chuyển, mua bán quanh năm. “Địa bàn Hà Nội với hệ thống giao thông kết nối tốt đã và đang là nơi trung chuyển pháo lậu đi tiêu thụ tại các địa phương lân cận”, Thiếu tá Trần Tú Anh thông tin thêm.

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, pháo nổ là mặt hàng siêu lợi nhuận. Một giàn pháo nổ mua từ nước ngoài có giá 70.000-80.000 đồng, khi mang vào trong nước được bán với giá gấp 10-15 lần. Có "đầu ra" là do tâm lý giới trẻ, đặc biệt những thanh niên mới lớn có nhận thức còn hạn chế, thường cố tìm cách sử dụng các mặt hàng cấm. Chị Vũ Thị Lan (trú ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) phản ánh, nhiều dịp Tết Nguyên đán, nhiều thanh niên thiếu ý thức trong khu dân cư thậm chí còn ném pháo vào nhà, vào phương tiện giao thông, gây nguy hiểm cho những người xung quanh.

Một trong những khó khăn trong công tác xử lý tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo hiện nay là trong Luật Đầu tư năm 2014 quy định chỉ có “pháo nổ” mới thuộc danh mục hàng cấm, còn pháo hoa và các loại pháo khác thì không. Do đó, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ thì bị xử lý hình sự, nhưng vận chuyển, buôn bán pháo hoa và các loại pháo khác không bị xem xét xử lý hình sự. “Trong khi khoảng 70% số lượng pháo bắt giữ được là pháo hoa, chỉ có 30% là pháo nổ”, Trung tá Đoàn Văn Đông cho biết.

Xử lý nghiêm gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Pháo có nguy cơ gây mất an toàn cả trong sản xuất, vận chuyển và sử dụng, có thể gây thiệt hại lớn về vật chất và tính mạng con người. Như vụ việc xảy ra ngày 11-9-2019, đối tượng Vũ Trung Trực (sinh năm 1984, quê ở tỉnh Nam Định) mang 2 quả pháo dù, 18 quả pháo sáng đi cổ vũ trận đấu bóng đá giữa Câu lạc bộ Hà Nội và Câu lạc bộ Nam Định đã đốt pháo dù hướng sang phía khán đài đối diện khiến một cổ động viên bị thương nặng.

Cán bộ công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn không mua bán, tàng trữ pháo nổ.

Để hạn chế tình trạng sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo trên địa bàn thành phố, theo Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội), đơn vị đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở tổ chức cho 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, các hộ dân trên địa bàn quản lý ký cam kết không sản xuất, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Các lực lượng chức năng cũng tăng cường quản lý chặt địa bàn, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố lân cận, ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo vào thành phố. 

Ông Vũ Đình Cường, Tổ trưởng tổ dân phố số 8 (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết, tại địa phương đã triển khai kết hợp lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, phát hiện các hành vi vi phạm về pháo. 

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, tuyên truyền, vận động là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong phòng ngừa các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép các loại pháo. Công an thành phố đã yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy công an các đơn vị, địa phương với nhiệm vụ này, kiên quyết không để vi phạm về pháo diễn ra trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo gây ra.

Ngày 1-11-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo trên địa bàn thành phố dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó nhấn mạnh, đơn vị, địa phương nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa pháo nổ dịp cuối năm: Quản lý chặt địa bàn giáp ranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.