Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa lừa đảo qua mạng xã hội

Chu Dũng| 05/10/2021 06:12

(HNM) - Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lợi dụng việc người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội Facebook, Zalo… để giao tiếp, học tập, mua sắm, nhiều đối tượng xấu đã gia tăng hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Loại tội phạm này tuy không mới nhưng người dân vẫn rất cần cảnh giác, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng để tích cực phòng ngừa.

Người dân cần nâng cao cảnh giác với các thông tin trên mạng xã hội để tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. Ảnh: Đỗ Tâm

Thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, riêng trên địa bàn phường Xuân Tảo, từ tháng 6-2021 đến nay đã tiếp nhận 3 vụ việc liên quan đến thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội với số tiền nạn nhân bị lừa từ vài trăm triệu lên đến hàng tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Trung úy Đặng Huy Hoàng (Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Cầu Giấy), cơ quan chức năng quận Cầu Giấy vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 2003) và Phí Văn Hưng (sinh năm 1998) cùng trú huyện Thạch Thất về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, do tin tưởng nên anh N. (ở tỉnh Phú Thọ) đã cung cấp mật khẩu tài khoản Facebook cho Nguyễn Hùng Cường. Qua tài khoản này, Cường đã nhắn tin cho bạn anh N. là chị H. (ở quận Hoàn Kiếm) vay 200 triệu đồng. Tiếp đó, Cường còn cung cấp mật khẩu tài khoản Facebook của anh N. cho Phí Văn Hưng và một đối tượng khác lừa vay tiền chị H. thêm 190 triệu đồng… Thấy khả nghi, chị H. gọi điện cho anh N. thì phát hiện bị lừa đảo và tới Công an quận Cầu Giấy trình báo.

Còn Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) thông tin, đơn vị đang phối hợp giải quyết vụ việc một người dân sinh sống ở Hà Nội nhận cuộc gọi qua mạng xã hội và được thông báo vi phạm giao thông tại Đà Nẵng. Khi trả lời bản thân không đến Đà Nẵng, nạn nhân vẫn được nối máy với một người tự xưng công tác ở Công an thành phố Đà Nẵng. Người này cho hay nạn nhân đang đứng tên thuê một ô tô gây tai nạn chết người, đồng thời liên quan đến đường dây mua bán ma túy. Nhẹ dạ nghe theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, nạn nhân đã bị mất 290 triệu đồng trong tài khoản.

Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, 3 tháng qua, đơn vị đã phá 10 vụ án hình sự, bắt giữ 25 đối tượng, phạt hành chính 29 đối tượng và đề nghị xử phạt 9 đối tượng đăng tải nội dung giả mạo, sai sự thật và lừa đảo qua mạng xã hội. Các vụ việc hình sự sẽ sớm được đưa ra xét xử nhằm mục đích răn đe.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phân loại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo người dân. Ảnh: Tấn Yên

Khuyến cáo 5 hình thức lừa đảo trực tuyến

Giãn cách xã hội để phòng, chống dịch kéo dài khiến số lượng người dùng, thời gian sử dụng mạng xã hội tăng lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số vụ tấn công, lừa đảo qua mạng tăng theo. Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, do tâm lý chủ quan của một số nạn nhân khi chưa cập nhật thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng nên các hoạt động lừa đảo qua mạng xã hội như đánh cắp mật khẩu, gọi điện qua mạng… tuy không mới nhưng vẫn xảy ra. 

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phân loại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo người dân. Trong đó, giả mạo công chức chính quyền để lừa đảo và bán sản phẩm y tế không minh bạch là phổ biến. Tiếp theo là ăn cắp dữ liệu cá nhân khi đối tượng giả mạo nhân viên nhà nước để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, chi tiết tài khoản ngân hàng, mã PIN thẻ ngân hàng, hoặc nêu mục đích để truy tìm tiếp xúc liên quan tới các ca bệnh Covid-19. Việc giả mạo kêu gọi ủng hộ từ thiện và tiếp thị các sản phẩm cũng đánh vào tâm lý nhiều người. 

Theo ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đơn vị đã xây dựng “Cẩm nang bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19” nhằm trang bị một số hướng dẫn cụ thể để người dân có những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất phòng tránh, giảm bớt các nguy cơ mất an toàn thông tin.

Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) Trần Trung Tuyển cho biết, địa phương đang triển khai mô hình “Vì môi trường mạng xã hội bình yên”, định hướng cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn sử dụng mạng xã hội an toàn. Qua đó, các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực giúp thành viên gia đình phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội hiện nay.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, trước những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao trong đại dịch Covid-19, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng trước các thủ đoạn của loại tội phạm này để tự bảo vệ mình. Nếu nghi ngờ lừa đảo cần gửi đường dẫn (link) đến địa chỉ http://canhbao.ncsc.gov.vn để cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa lừa đảo qua mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.