(HNM) - Vụ cháy quán karaoke đang trong giai đoạn sửa chữa tại số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 1-8 làm 3 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy hy sinh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng mất an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố.
Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, số vụ cháy trên địa bàn đã tăng 3 vụ, tăng 1 người chết so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư không chấp hành những quy định về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra còn có tới hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp làm nhà ở riêng lẻ cũng khiến nỗi lo thường trực về cháy, nổ có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Với quán karaoke như tại số 231 Quan Hoa, quan sát bằng mắt thường có thể thấy đây là nhà dạng ống có mặt tiền hẹp và chiều sâu kéo dài. Chủ quán thường sử dụng nhiều vật liệu mút xốp để bảo đảm cách âm, lại trang trí nội thất bằng đồ dễ cháy… Đây cũng là lý do khiến công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với quán karaoke nói riêng và với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh ở nội thành luôn gặp phải khó khăn.
Phải khẳng định rằng, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện (quán bar, massage, vũ trường, karaoke…) và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh không là câu chuyện mới. Tình trạng phổ biến là không có giải pháp phòng cháy hữu hiệu từ bản thân các gia đình cũng như chủ cơ sở kinh doanh ngay từ khâu thiết kế đến khi đưa vào sử dụng. Đáng lưu ý, công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên còn bị buông lỏng do phần đông họ là lao động tự do, lao động thời vụ, nên khi có hỏa hoạn đội ngũ này hầu như không có kỹ năng xử lý ban đầu…
Trong phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu lớn nhất là làm tốt công tác “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Từ đó đặt ra vấn đề quan trọng hàng đầu là cần nâng cao nhận thức cho lực lượng ở cơ sở.
Phía chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, ngay khi thiết kế, xây dựng phải có giải pháp phòng cháy; phải đầu tư thích đáng và được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy mới đưa vào sử dụng. Đi kèm với đó là xây dựng tổ, đội phòng cháy tại chỗ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng thiết bị phòng cháy cơ bản…
Với chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Trong đó, cần kiên trì đẩy mạnh truyền thông pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy để chủ cơ sở, người lao động ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ mà tự giác thực hiện. Đi kèm với đó là tăng cường kiểm tra, thường xuyên rà soát về an toàn phòng cháy và nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động... Đã đến lúc không nói chung chung mà cần xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu quản lý địa bàn nếu để khu vực phụ trách xảy ra nhiều vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Để không rơi vào tình cảnh xót xa khi hỏa hoạn gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản rồi mới quan tâm đến phòng cháy, chữa cháy, việc cần làm ngay đối với tất cả các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp là cần rà soát các yêu cầu về an toàn và có biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.