Thời điểm này tại các bệnh viện có nhiều bệnh nhân bị dị ứng ngoài da như mề đay, sẩn ngứa, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc đến khám bệnh. Nguyên nhân là do dị ứng ngoài da lúc sang xuân hè.
Điều trị cho bệnh nhân bị viêm da tại BV Da liễu. Ảnh: M.Khang
Dị ứng “hành” rất nhiều người
Chị Nguyễn Thị Quy (Bắc Ninh) năm nào tới mùa hoa xoan nở cũng bị nổi các nốt đỏ lựng và ngứa như muỗi đốt, khoảng 1 ngày thì lặn rồi nổi các nốt mới, khiến chị phải gãi sồn sột, rất khó chịu. Nguyên nhân gây ngứa là do dị ứng với phấn hoa xoan.
Anh Phạm Nam Thái (30 tuổi ở Thái Bình), trời chuyển lạnh hoặc nóng là người lại nổi những nốt ngứa nhỏ, sau lớn dần gây ngứa ngáy rất khó chịu. Bác sĩ khám kết luận anh bị dị ứng thời tiết, với lạnh hoặc nóng, chỉ có tránh lạnh và nóng sẽ hạn chế được. Nhưng thời tiết thì ai mà tránh được, nên bệnh cứ tái đi tái lại.
Một số người bị dị ứng lạ như cứ tiếp xúc với kim loại (đồng hồ, khuy áo...) là bị mẩn đỏ, ngứa. Đi khám, bác sỹ kết luận bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc, do cơ địa không phù hợp với kim loại, kê thuốc thoa và uống nhưng bệnh vẫn không khỏi hẳn. Có người bị bất cứ vật gì tác động vào da đều bị lằn lên một vết và nổi đỏ hình thù như thế, 2 - 3 phút sau mới lặn đi. BS bảo đó là bệnh viêm da vẽ nổi, thuộc nhóm bệnh mày đay do các tác nhân vật lý và gia tăng khi nhiệt độ lạnh (gió, quạt, máy lạnh...), bệnh lặp đi lặp lại theo chu kì.
Nguyên nhân vì đâu?
Mùa xuân là mùa có nhiều phấn hoa, côn trùng phát triển lại gặp thời tiết ẩm ướt xen kẽ hanh khô, nóng lạnh thất thường tạo ra môi trường thuận lợi cho dị nguyên kích thích vào cơ thể gây nên phản ứng dị ứng.
Với những người có cơ địa dị ứng thì da sẽ bị nổi các sẩn đỏ hoặc mụn nước, phù nề... khi tiếp xúc với các dị ứng nguyên. Bệnh dị ứng chỉ có thể điều trị triệu chứng chứ không thể khỏi hẳn. Phòng bệnh bằng cách tránh tiếp xúc dị nguyên. Khi da bị tổn thương có thể dùng thuốc bôi có chứa Hydrocortisone, tắm xà phòng làm dịu da như Physiogel, Cetaphil...
Mề đay cũng như bệnh chàm rất đa dạng và có thể giống nhau, đôi khi bác sĩ tìm không rõ nguyên nhân nên chỉ điều trị để hạn chế dị ứng, khó tránh tái phát. Bị mề đay có thể uống các thuốc kháng dị ứng như Telfast 180mg (1 viên/ngày) và kiêng các thức ăn dễ gây dị ứng như đồ biển, thịt gà, thịt bò, đồ hộp...
Bị chàm ở mí mắt, bụng (da sẽ nổi đỏ, mụn nước, rỉ dịch, tróc vẩy…) do tiếp xúc xà phòng, mascara, kim loại… cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng. Nên dùng các loại xà phòng da liễu (PH 4-6) để giảm gây kích ứng da. Tránh ăn thức ăn dễ làm da bị dị ứng như trứng, các thức ăn lên men (chao, mắm, khô, đậu hủ...) và một số loại thịt cao đạm. Khi da bị nổi đỏ nên dùng các thuốc kháng Histamine, thuốc lợi gan mật, một số vitamine hỗ trợ cho da, hoặc thuốc bôi thích hợp… Nếu dị ứng không giảm cần đi khám chuyên khoa.
Nếu tiếp xúc với kim loại mà bị dị ứng thì nên tránh tiếp xúc với kim lọai đó. Lớp da bị bong ra ngứa, có thể do bị nấm hoặc là chàm. Để phân biệt 2 bệnh cần khám chuyên khoa da liễu mới có cách điều trị thích hợp. Một số trường hợp dị ứng không rõ nguyên nhân bác sĩ sẽ kê thuốc hạn chế tạm thời. Bệnh viêm da vẽ nổi tốt nhất là phòng bệnh tránh va chạm mạnh. Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải tỉnh táo thì khi bị nổi mẩn đỏ và ngứa có thể dùng một số loại thuốc kháng histamin đường uống phổ biến như zyrtec, clarityne, telfast, xyzal.... Nếu các mẩn đỏ và ngứa không giảm sau 1 ngày dùng thuốc cần đi khám chuyên khoa da liễu. Chỉ có 10% chứng dị ứng tự biến mất như một số trường hợp dị ứng thức ăn, dị ứng với sữa bò. Dị ứng nếu không điều trị sẽ có thể biến chứng nặng.
Để đề phòng chứng dị ứng cần chú ý chế độ ăn ngủ, tập luyện thích hợp. Ăn uống cần bổ sung các nguồn protein như trứng gà, tôm, các loại cá, thịt bò… các vitamin và khoáng chất từ rau quả, vận động ngoài trời hợp lý sẽ giúp tăng sức đề kháng, phòng dị ứng. Trong dân gian có cách ăn mật ong thường xuyên sẽ giúp tăng sức đề kháng với dị ứng phấn hoa và phòng ngừa các chứng bệnh dị ứng đường hô hấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.