(HNM) - Sau một số sự việc liên quan đến học sinh bị xâm hại tình dục, mà mới đây nhất là việc hiệu trưởng một trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh Phú Thọ bị tố xâm hại hàng chục học sinh nam, vấn đề phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh càng trở nên cấp thiết.
Học sinh hào hứng trong giờ giảng dạy về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tại Trường Tiểu học Trần Phú, Hà Đông. Ảnh: Đình Tuệ |
Còn nhiều e ngại
Một buổi sinh hoạt đầu tuần tháng 12-2018, học sinh Trường Trung học cơ sở Xuân La (quận Tây Hồ) được tham dự chuyên đề “Giáo dục giới tính tuổi vị thành niên”. Các em được nghe chuyên gia trò chuyện, chia sẻ về những thay đổi của cơ thể và diễn biến tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên. Trong đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Lại (Trung tâm Phát triển kỹ năng sống cho trẻ em và phụ nữ, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam) trực tiếp trò chuyện với học sinh về những vấn đề liên quan đến giới tính và những kỹ năng cơ bản để phòng tránh bị xâm hại. Qua câu chuyện của các em với chuyên gia, có thể nhận thấy đây không phải lần đầu tiên học sinh nhà trường được tiếp cận với vấn đề này, nhưng chưa hẳn em nào cũng sẵn sàng, nhất là khi nghe lý giải về sự khác biệt giữa tình bạn - tình yêu và những dấu hiệu, hành vi xâm hại cơ thể. Nhiều em khi được hỏi đã trốn tránh hoặc không dám nói; một số em lại xấu hổ, cho rằng đây là điều thầm kín.
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống và phòng chống xâm hại cho học sinh. Nội dung này cũng được lồng ghép vào chương trình giáo dục trong và ngoài trường học nhằm mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh để phòng tránh những nguy cơ bị xâm hại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, về cơ bản việc tiếp cận với những vấn đề về giới tính của học sinh vẫn còn khá e dè. Phía các thầy, cô giáo, kể cả giáo viên sinh học - môn học có những nội dung cụ thể về cơ thể con người và sự khác biệt về giới tính cũng chỉ đề cập đến vấn đề này ở một mức độ nhất định.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Lại nhấn mạnh: "Việc người lớn mạnh dạn chia sẻ với học sinh những kiến thức, kỹ năng về giới tính, sức khỏe sinh sản một cách thẳng thắn, không né tránh các khái niệm, tình huống thực tế là điều cần thiết để các em có nhận thức đúng, đầy đủ. Đây cũng là cách phá vỡ nhanh nhất những rào cản về sự e ngại của nhiều học sinh hiện nay. Thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu sự chia sẻ, lắng nghe và tin tưởng, các em sẽ càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành vi xấu".
Một số sự việc học sinh bị xâm hại ở các địa phương thời gian qua là minh chứng cho điều này. Có em không nhận thức được việc mình bị xâm hại, nhiều em rơi vào trạng thái hoang mang, không biết làm thế nào để thoát khỏi những hành vi xấu và đau đớn đó. Thậm chí, có sự việc chỉ bị phát giác từ lời kể vô tư của con trẻ với người lớn.
“Ba nhà” cần vào cuộc
Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh cần được triển khai càng sớm càng tốt, nhưng phải sát với thực tế, không né tránh để các em nhận thức được những nguy cơ mất an toàn với bản thân và kịp thời phòng tránh. Trong bối cảnh xã hội phức tạp như hiện nay, việc này đòi hỏi sự vào cuộc kiên trì, nghiêm túc của cả “ba nhà”: Nhà trường - gia đình - xã hội. Điều quan trọng là cả người lớn và con trẻ đều phải vượt qua sự e dè, ngại ngần ban đầu để cùng trao đổi, tiếp cận vấn đề này một cách thẳng thắn.
Buổi sinh hoạt chuyên đề về giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng tránh xâm hại của học sinh Trường THCS Xuân La (quận Tây Hồ). |
Em Nguyễn Khánh Linh, lớp 8D, Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) mong muốn, ngoài sự hướng dẫn của bố mẹ sẽ có thêm sự hỗ trợ thường xuyên của cô giáo và những chuyên gia để có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng tránh những nguy cơ mất an toàn cho bản thân; giúp em biết tìm đến ai khi gặp sự cố, thậm chí chủ động phòng tránh những hậu quả không mong muốn trong mối quan hệ với bạn khác giới ở lứa tuổi học sinh.
Bà Lê Mai Anh (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Để giúp con dễ tiếp cận vấn đề, tôi thường sử dụng “quy tắc 5 ngón tay” để minh họa. Quy tắc này giúp con trẻ định hướng giao tiếp phù hợp với 5 nhóm người thường gặp và đặc biệt giúp con xác định rõ rằng: Chỉ có bố, mẹ, ông, bà và anh, chị, em ruột mới được phép ôm mình. Hành vi như vậy từ những người khác đều phải chối từ. Điều này cũng giúp các con hiểu ra rằng, dù con là nữ hay là nam thì đều có nguy cơ bị xâm hại".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Để ngăn ngừa hành vi bạo lực, xâm hại học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 16/KH-UBND ngày 16-1-2018 về ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đồng thời phát động phong trào xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn trong toàn ngành. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát chất lượng đội ngũ, siết chặt khâu tuyển dụng, nghiêm khắc đưa ra khỏi ngành những nhà giáo thiếu năng lực, phẩm chất; tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật tại nhà trường, đặc biệt là trường mầm non, nhóm trẻ để kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.