Sức khỏe

Phòng, chống sốt xuất huyết: Xử lý ngay, không để thành dịch

Thu Trang 26/06/2023 - 06:41

Theo dự báo của ngành Y tế Thủ đô, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Không theo quy luật 4-5 năm bùng phát một đợt dịch mà giờ đây sốt xuất huyết gia tăng theo từng năm, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng kéo theo những đợt mưa dông thất thường như hiện nay.

sot-xuat-huyet.jpg
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: Phương Thu

Căn bệnh ngày càng... “nóng”

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, năm 2022, toàn thành phố có hơn 19.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm nay đến giữa tháng 6-2023, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.

Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, ngành Y tế Thủ đô nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Lý giải về nhận định này, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải bừa bãi, phế liệu đọng nước chưa được thu gom… Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, thùng, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

“Hiện nay, người dân ngoại tỉnh thuê trọ tại khu vực nội thành, các huyện ven nội thành là rất lớn. Đây là những đối tượng có nhiều khả năng mắc bệnh do điều kiện sinh hoạt tạm bợ như ngủ không nằm màn, không để ý thu gom phế liệu, phế thải; nơi ở không ổn định, không biết và không thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Vì vậy, việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại không ít nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.

Cùng chung nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) cho biết, sốt xuất huyết là căn bệnh vô cùng “nóng” hiện nay. Mấy năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4-5 năm lại có một đợt dịch đỉnh điểm nữa mà tăng hằng năm do thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt năm nay, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng.

“Để phòng, chống sốt xuất huyết, không có lực lượng nào tốt hơn chính là người dân trong việc tự ý thức vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước có bọ gậy từ chính ngôi nhà, ngõ xóm mình...”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng lưu ý.

Ngành Y tế vào cuộc: Chưa đủ

Không để bị động trước dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng yêu cầu các ban, ngành triển khai biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đối với UBND các xã, thị trấn cần tổ chức triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết. Qua đó, vận động người dân tích cực, chủ động diệt lăng quăng, muỗi. Đồng thời, huy động các tổ chức, đoàn thể, lực lượng tình nguyện tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu đọng nước.

Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu nhân viên của Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS đôn đốc các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường giám sát những ổ dịch cũ, giám sát chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) tại các khu vực trọng điểm để thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 3 từ ngày 25-6. Cùng với đó, tập trung giám sát các ca bệnh, ổ dịch mới phát sinh để xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Ngoài việc làm cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp thì vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những chi tiết, vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ mấy ngày chưa dọn, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy… Những thứ đó sẽ trở thành nơi chứa nước lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.

“Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chỉ ngành Y tế vào cuộc là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, công trường, trường học… và mỗi người dân cùng chung tay thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết”. Nếu như chúng ta hiểu rõ về cơ chế lây truyền bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được sự gia tăng dịch bệnh...”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống sốt xuất huyết: Xử lý ngay, không để thành dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.