Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống mua bán người: Cần một giải pháp từ gốc

Quỳnh Anh| 03/05/2016 07:24

(HNM) - Từ tháng 10-2013 đến nay, đường dây nóng phòng, chống mua bán người thuộc Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi. Thực trạng này rất đáng báo động và cần những giải pháp thực sự căn cơ.

Lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc thực hiện bàn giao nạn nhân mua bán người qua biên giới. Ảnh tư liệu của BĐBP


Diễn biến phức tạp

Chỉ vì muốn kiếm được việc làm để có tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học, chị N.V.A, 21 tuổi, ở Hà Giang đã rơi vào đường dây đưa người qua biên giới. Chị bị người phụ nữ tên L.T.B lừa vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc rồi bán cho một người đàn ông với giá 6,8 vạn nhân dân tệ. Sau gần một năm bị bán sang Trung Quốc, chị N.V.A đã được giải cứu nhờ sự hợp tác giữa Công an tỉnh Hà Giang, tỉnh Bắc Giang (Việt Nam) và Công an Trung Quốc. Công an cũng đã bắt được người phụ nữ tên L.T.B và một người Trung Quốc vì liên quan tới đường dây mua bán người.

Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông thuộc Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết, nạn mua, bán người vẫn đang tiếp tục và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Ông Hiệu dẫn chứng, dự án đường dây nóng phòng, chống mua bán người được thực hiện từ tháng 7-2012 tại Hà Nội, An Giang, Hà Giang. Sau 3 năm hoạt động (2013-2016), đường dây tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi liên quan đến mua, bán người, trong đó Hà Nội là 3.475 cuộc gọi, An Giang 1.130 cuộc gọi, Hà Giang 350 cuộc gọi. "Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của đường dây nóng, nhiều nạn nhân bị mua bán đã được trở về với gia đình" - ông Hiệu cho biết.

Từ các cuộc gọi đến đường dây nóng phòng, chống mua bán người có thể thấy, tình trạng mua, bán người ngày càng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của tội phạm buôn, bán người là tiếp cận, làm quen với những cô gái mới lớn, những phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định để dụ dỗ. Sau đó, các đối tượng lôi kéo và tổ chức cho nạn nhân vượt biên bằng đường tiểu ngạch để bán cho đối tượng bên kia biên giới. Ngoài ra, đối tượng mua bán người còn lợi dụng sơ hở trong môi giới hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch thăm người thân, hợp tác lao động… để lừa nạn nhân ra nước ngoài bán.

Bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang cho biết, nạn nhân bị mua bán thường sa vào bẫy bởi rất nhiều thủ đoạn xảo quyệt của bọn tội phạm buôn người. Song chiêu thức phổ biến của những kẻ buôn người vẫn là thông qua mạng xã hội như facebook, zalo hay điện thoại di động để "kết bạn", tâm sự với nạn nhân, rồi sau đó hứa hẹn việc làm với mức lương cao, lừa dẫn họ vượt biên giới ra nước ngoài để bán.

Nâng cao nhận thức, phòng ngừa hậu quả

Nạn nhân của hoạt động mua, bán người phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, ý thức phòng, chống mua bán người của người dân lại hết sức hạn chế. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang cho biết, trong 3 năm hoạt động (2013-2016), đường dây nóng phòng, chống mua bán người tại tỉnh đã tiếp nhận tới 14.076 cuộc gọi đến song có tới hơn 10.000 cuộc, gọi "câm", nhỡ, trêu đùa...

Tại các hội thảo chuyên đề bàn về công tác phòng, chống mua, bán người thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, công tác truyền thông xã hội đối với tệ nạn mua, bán người chưa tương xứng với các biện pháp trấn áp tội phạm. Các đợt cao điểm chống tội phạm buôn, bán người chưa được mở thường xuyên, chưa có sự chung tay, góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do vậy, để chặn đứng được vấn nạn xã hội nguy hiểm này, phòng chống mua, bán người phải luôn được coi là một công tác toàn diện, phải vừa chống, phòng ngừa và vừa phải mạnh tay trấn áp.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm mua, bán người cần được chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều nội dung và hình thức. "Trong bối cảnh tình hình tội phạm buôn bán người diễn biến phức tạp, đường dây nóng của chúng tôi dù chỉ được đặt ở 3 tỉnh nhưng cũng đã góp phần không nhỏ hạn chế tình trạng buôn bán người, giải cứu hàng chục trường hợp nạn nhân bị mua bán, đưa qua biên giới trở về với gia đình. Đây cũng sẽ là nền tảng quan trọng để hình thành một mạng lưới đường dây nóng phòng, chống mua, bán người từ cấp trung ương đến các địa phương", ông Nam nhấn mạnh.

Còn bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang cho rằng: Đối tượng bị buôn bán thường là phụ nữ và trẻ em thuộc những hộ nghèo, nhận thức còn hạn chế nên họ rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt. Chính vì vậy, tập trung nâng cao nhận thức cho những đối tượng này cũng như tạo việc làm ổn định cho họ là hết sức cần thiết. Đây mới là giải pháp từ gốc để giảm tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bán qua biên giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống mua bán người: Cần một giải pháp từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.