(HNM) - Phòng chống lụt bão (PCLB) luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, nhất là ở những khu vực trọng yếu có hệ thống đê điều, hồ đập, sông suối, bờ biển... nhưng hiện tại việc đối phó lại gặp muôn vàn khó khăn do tình hình vi phạm đê điều gia tăng; hạ tầng cơ sở dễ hư hỏng khi có lũ lụt; ý thức một số người dân thấp; xử lý vi phạm chưa nghiêm túc...
* Năm 2009 thiệt hại gần 24 nghìn tỷ đồng do thiên tai
* Mới xử lý được 490/2.807 vụ vi phạm về pháp luật đê điều
* Sẽ kiểm tra công tác PCLB tại Hà Nội
(HNM) - Phòng chống lụt bão (PCLB) luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, nhất là ở những khu vực trọng yếu có hệ thống đê điều, hồ đập, sông suối, bờ biển... nhưng hiện tại việc đối phó lại gặp muôn vàn khó khăn do tình hình vi phạm đê điều gia tăng; hạ tầng cơ sở dễ hư hỏng khi có lũ lụt; ý thức một số người dân thấp; xử lý vi phạm chưa nghiêm túc...
Những vấn đề nóng bỏng này đã được Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và lãnh đạo của 173 quận, huyện, thị xã (từ Hà Tĩnh trở ra) mổ xẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch PCLB năm 2010 tổ chức ngày 28-6.
Ứng phó với bão lũ vẫn chủ yếu dựa vào lực lượng tại chỗ ở địa phương. Ảnh: Bá Hoạt |
Xử lý vi phạm đê điều còn chiếu lệ
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra con số đáng suy nghĩ và quan ngại về thiệt hại to lớn do thiên tai gây ra năm 2009: 11 cơn bão kèm lũ lớn, mưa đá, sạt lở đất đã cướp đi cuộc sống hơn 400 người, làm bị thương 1.390 người; hàng trăm nghìn ngôi nhà, phòng học, trạm y tế, công trình thủy lợi... bị trôi, hư hỏng; sản xuất nông nghiệp đình đốn, nhiều diện tích hoa màu, lúa mất trắng. Tổng thiệt hại lên đến gần 24 nghìn tỷ đồng.
Thực tế, hằng năm nước ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây mới, tu sửa, nâng cấp các công trình PCLB, tìm kiếm cứu nạn. Chính phủ và các địa phương đều có nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi thì tình trạng vi phạm Luật Đê điều xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương nhưng việc xử lý gần như "chiếu lệ". Đặc biệt, ở những khu vực ven đê, bãi sông có dân cư sinh sống, đê qua khu đô thị, khu dân cư, tình hình vi phạm càng phức tạp. Cục Quản lý đê điều và PCLB cho biết, qua thanh tra, kiểm tra từ năm 2007 đến nay, cả nước có 2.807 vụ vi phạm về pháp luật đê điều nhưng chỉ xử lý được 490 vụ.
Một vấn đề bức xúc khác là công trình hạ tầng KT-XH, PCLB dù được đầu tư nhưng vẫn bất cập, dễ hư hỏng khi bão lũ xảy ra. Ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCLB cho rằng, nguyên nhân là do chưa có sự lồng ghép giữa yếu tố thiên tai, lũ, bão, lốc xoáy vào trong các dự án cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình đã xây dựng từ lâu, không còn phù hợp với đặc điểm lũ, lụt hiện nay nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa theo tiêu chuẩn ổn định. Điển hình như quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam được xây dựng cách đây hơn 30 năm, nhiều đoạn được tôn cao vượt lũ nhưng do không mở rộng khẩu độ thoát lũ của các cầu nên làm tăng ngập sâu ở thượng lưu các cầu, đường, có lúc chênh lệch đến 1,5m.
Nghiêm túc thực hiện "4 tại chỗ"
Sẽ kiểm tra công tác PCLB tại Hà Nội |
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cảnh báo, năm nay bão xuất hiện muộn nên mùa bão sẽ kéo dài về cuối năm, tương tự như các năm 1983 và 1998. Dự báo bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn, nhiều trường hợp bão đôi có hướng di chuyển và diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải chủ động phòng tránh và thích nghi khi lũ, bão xảy ra; huy động tổng lực sức dân, kiên quyết đối phó đến cùng và nhanh chóng khắc phục hậu quả. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" gồm công tác chỉ huy, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư và hậu cần. Trong đó, Tổng cục Thủy lợi lưu ý các địa phương phải quan tâm đến công tác chuẩn bị lực lượng tại chỗ, gồm lực lượng tuần tra canh gác, xung kích, kỹ thuật và cứu hộ. Theo ông Trần Quang Hoài, khi sự cố đê điều xảy ra không dùng vật tư tràn lan vừa kém hiệu quả, thậm chí làm cho sự việc nghiêm trọng thêm. Vì vậy, phải xem xét trên cơ sở "bệnh nào thuốc ấy", chuẩn bị đầy đủ, cần vật tư nào thì sử dụng vật tư đó. Ngoài vật tư Nhà nước đầu tư kinh phí để dự trữ như đá hộc, rọ thép, bao tải, các địa phương cần huy động vật tư trong dân như tre, rào, rơm, rạ, đất dự trữ... Các địa phương phải kiểm tra ngay phương án bảo vệ dân ở vùng bãi, bồi, vùng dễ sạt lở, vùng phân lũ, chậm lũ, vùng hay bị lũ quét...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Phó ban Chỉ đạo PCLB Trung ương chỉ ra kinh nghiệm PCLB nhiều năm qua là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó cấp cơ sở (quận, huyện) là nơi có điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong hộ đê để phát hiện, xử lý sự cố ngay từ giai đoạn đầu, ngăn chặn phát triển thành thảm họa. Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cũng chỉ đạo các huyện ven biển phải chủ động sơ tán dân tránh bão, khi triều cường lên cao và nguy cơ mất an toàn đê; các huyện trung du, miền núi phải có quy hoạch và thực hiện di dời các khu dân cư có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, tổ chức thông tin theo dõi và lực lượng cứu hộ tại chỗ. Đối với vấn đề vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, Bộ NN&PTNT phải rà soát toàn bộ quy trình vận hành hồ chứa để bổ sung, điều chỉnh điểm chưa hợp lý; chỉ đạo phê duyệt ban hành ngay quy trình vận hành cho các hồ chứa của thủy điện chưa có quy trình...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.