(HNMO) - Kể từ 0h ngày 16-2 (mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021), các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn Thủ đô đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Song, để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân cũng như Phật tử dự lễ cầu an đầu năm, nhiều chùa đã tổ chức các khóa lễ theo hình thức trực tuyến hoặc chỉ trong khuôn viên nhà chùa, không có người tham dự, nhằm bảo đảm phòng, chống dịch.
Tổ chức đại lễ cầu an trực tuyến
Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa) là một trong những địa điểm không thể bỏ qua với nhiều người dân và Phật tử khi đi lễ cầu an đầu năm. Năm nay, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19, tổ đình Phúc Khánh chỉ tổ chức đại lễ cầu an trực tuyến duy nhất một buổi vào lúc 20h ngày 25-2 (tức ngày 14 tháng Giêng) trên mạng xã hội của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Đại đức Thích Minh Đức (tổ đình Phúc Khánh) cho biết, nhà chùa đã thông báo trước cổng về việc đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch nên lượng người đăng ký lễ cầu an giảm nhiều so với các năm trước. “Các Phật tử rất ủng hộ chủ trương phòng dịch của thành phố và hoan hỉ hướng về tổ đình qua truyền hình trực tuyến để cầu cho đất nước sớm vượt qua đại dịch”, Đại đức Thích Minh Đức cho biết.
Tuy không tổ chức lễ cầu an trực tuyến, nhưng chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) tổ chức hai khóa lễ, chỉ trong khuôn viên nhà chùa, vào ngày 16 và 20-2 (mùng 5 và 9 tháng Giêng). Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Trấn Quốc chia sẻ: “Do dịch Covid-19 nên lượng người đăng ký lễ cầu an chỉ bằng 1/4 so với năm Canh Tý 2020. Chúng tôi làm lễ cầu an trong khuôn viên nhà chùa để Phật tử, người dân ở khắp nơi hướng tâm về cùng cầu nguyện bình an năm mới”.
Thường xuyên đi lễ cầu an đầu năm tại đình - chùa Hà (quận Cầu Giấy), nhưng khi đến nơi, chị Nguyễn Kim Yến (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) mới biết nhà chùa đổi lịch lễ. “Theo thông báo của Ban quản lý đình - chùa Hà thì các buổi lễ cầu an trong tháng Giêng âm lịch sẽ chuyển sang tháng Hai âm lịch với 6 đợt khác nhau”, chị Yến cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày thứ bảy, chủ nhật, hầu hết các chùa lớn trên địa bàn nội thành Hà Nội đều thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có một số người dân đến đặt lễ tại cổng, cắm hương vào cổng chùa hay đứng trước cổng để vái vọng như ở đình - chùa Hà (quận Cầu Giấy), phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm)…
Từng bán hàng ăn nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Mai, chủ nhà hàng Nguyệt Nga 2 (số 47 Phủ Tây Hồ) chia sẻ: ''Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phủ Tây Hồ đóng cửa nên lượng khách đến rất ít. Điều này làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, song tôi nghĩ rằng việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch là hết sức cần thiết''.
Bảo đảm an toàn phòng dịch
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương quán triệt, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tự viện Phật giáo tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền địa phương trong tháng lễ hội xuân Tân Sửu 2021.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Chúng tôi khuyến khích tăng ni, Phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân. Việc tham dự các khóa lễ cầu an trực tuyến vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, vừa là dịp được nghe những bài pháp của đức Phật, cùng cầu nguyện cho một năm an lành, hạnh phúc”.
Nhấn mạnh việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 là quan trọng, Hòa thượng Thích Thanh Nhã cho biết: “Nếu thực sự có tâm thành kính thì dù đến chùa hay thực hiện các nghi thức tâm linh trực tuyến cũng không có gì khác biệt. Vì thế, các chùa, cơ sở tự viện Phật giáo và tăng ni nên chia nhỏ các khóa lễ cầu an làm nhiều buổi, không tập trung đông người cũng như không tổ chức tín đồ hành hương tới nhiều địa phương, nhất là các địa điểm trong vùng dịch”.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi đi lễ cầu an đầu năm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho biết: “Quận đã triển khai thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, vận động trụ trì các cơ sở Phật giáo tổ chức lễ cầu an đầu năm theo hình thức trực tuyến”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã có thông báo gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã về việc triển khai công tác quản lý đối với hoạt động lễ hội, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng năm 2021. Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho biết: “Chúng tôi ghi nhận và biểu dương các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, chức sắc, chức việc, tín đồ đã đồng hành với chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19. Đây không chỉ là ý thức trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần Phật pháp bất ly thế gian pháp, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh”.
Từ nay đến ngày 26-2 (tức ngày rằm tháng Giêng), nhiều chùa vẫn tổ chức các khóa lễ trực tuyến hoặc tổ chức bên trong khuôn viên để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Mong rằng, mỗi người dân và Phật tử luôn ý thức chấp hành nghiêm các quy định của thành phố để vừa thực hiện nghi lễ cầu an đầu năm, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.