(HNM) - Liên tiếp những ngày gần đây, cháy rừng đã xảy ra tại một số địa phương trên cả nước. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra 2 vụ cháy rừng.
Hà Nội có hơn 27.159ha rừng, phân bố tại 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất và Sơn Tây), chủ yếu là rừng trồng, đan xen các khu dân cư, điểm du lịch...
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn. Nguyên nhân là người dân bất cẩn trong sử dụng lửa, dẫn tới cháy thảm thực bì dưới tán rừng. Cả 2 vụ cháy đều đã được khống chế ngay, không ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ.
Thời tiết nắng nóng gay gắt bất thường tiếp tục xảy ra trên diện rộng, do vậy không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy rừng. |
Nói về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương, ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chia sẻ, là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của thành phố Hà Nội với gần 10.000ha, nhưng ý thức bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy của một bộ phận người dân tại các xã có rừng còn hạn chế. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền chưa có sự chuyển biến mạnh và mang lại hiệu quả rõ rệt…
Còn theo chủ rừng Bùi Thị Biên, thôn Bãi Dài (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất), đầu năm 2019 gia đình bà đã được tham gia lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm chủ động, kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng ngay từ khi mới phát sinh. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Biên cho rằng, phương tiện chữa cháy rừng của địa phương hiện vẫn còn hết sức thô sơ và hạn chế, chủ yếu là phương tiện tại chỗ như xô, chậu, cành cây tươi…
Trao đổi về các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện là đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm túc các quy trình về phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Huyện Ba Vì cũng tiếp tục hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng ứng cứu trong những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Ở mỗi xã có rừng trên địa bàn huyện Ba Vì đều duy trì các đội quản lý bảo vệ rừng, mỗi đội ít nhất 15-20 người ứng trực phòng cháy, chữa cháy.
Không riêng Ba Vì, các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn thành phố cũng đã nêu quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống cháy rừng. Ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng của người dân, huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra cháy rừng, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.
Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, từ đầu năm đến nay, thành phố và Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương có rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đã kiểm tra các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong trường hợp có hiện tượng cháy rừng xảy ra. “Về phía lực lượng kiểm lâm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp để xảy ra cháy rừng trên địa bàn thành phố” - ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội nêu rõ quan điểm.
Ông Lê Minh Tuyên cho biết thêm, ngoài thực hiện tốt Quy chế phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có rừng giáp ranh để xử lý kịp thời khi có sự cố cháy rừng, lực lượng kiểm lâm Hà Nội thường xuyên tuần tra, kiểm soát những vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra cháy rừng để cảnh báo, tuyên truyền cho người dân biết chủ động phòng tránh cháy rừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.