Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, gây khó khăn về đi lại, sinh hoạt, nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tàn tật. Thời tiết chuyển lạnh thường gây ảnh hưởng không tốt đến các bệnh nhân bị đau nhức các khớp…
Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?
Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp. Do đó, tuổi càng cao thì nguy cơ thoái hóa khớp gối càng cao. Theo thống kê, tình trạng thoái hóa khớp thường gặp ở những người trên 55 tuổi.
Với bệnh thoái hóa khớp, tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó là tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và dịch khớp. Các khớp xương dễ bị thoái hóa nhất là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân...
Giai đoạn chuyển mùa sang đông là khoảng thời gian "ám ảnh" của những người mắc bệnh khớp bởi tình trạng đau nhức, tê cứng khớp, khó vận động tăng lên. Nguyên nhân là khi thời tiết chuyển lạnh, không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da và làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, làm giảm khả năng lưu thông của dịch khớp, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc ít nên lượng máu nuôi dưỡng khớp bị thiếu, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị thương tổn, gây đau nhức.
Thoái hóa khớp tuy không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những cơn đau mạn tính, khiến người bệnh suy giảm chức năng vận động, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, sinh hoạt. Bệnh có thể dẫn đến nhiều vấn đề như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, giảm năng suất lao động...
Nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì căn bệnh này có thể tạo ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: Đi lại đau đớn, khó khăn; cứng khớp; teo cơ; biến dạng khớp gối, làm chi dưới cong vẹo; vôi hóa sụn khớp... Nặng nhất là bại liệt, tàn phế. Người già bị thoái hóa khớp nặng có thể phải dùng xe lăn hỗ trợ đi lại.
Không lạm dụng thuốc giảm đau
Bác sĩ Luyện Trung Kiên (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Để phòng bệnh thoái hóa khớp, tùy điều kiện cụ thể mà người cao tuổi duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý cả trong ăn, uống, đi lại, chơi thể thao... Đặc biệt, người cao tuổi cần lưu ý duy trì chế độ tập luyện phù hợp, hạn chế mang vác nặng hay thực hiện các động tác quá sức. Ngoài ra, người cao tuổi nên duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì nếu không vận động thì khớp dễ bị cứng, giảm tiết dịch khớp, dẫn đến xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp. Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc, có thể cân nhắc các loại thuốc phòng và chữa thoái hóa khớp hiệu quả như glucosamine sulfate, chondroitin sulfate, diacerin, piascledine...
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo: Trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp, nếu bệnh nhân đau nhiều, cần phải dùng biện pháp giảm đau thì nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp để được kê đơn thuốc giảm đau hoặc tiêm chống viêm nội khớp, tránh việc dùng các thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc và lạm dụng thuốc giảm đau.
Người già bị thừa cân béo phì thì áp lực lên xương khớp tăng, khiến khớp quá tải và dễ thoái hóa. Do đó, người cao tuổi nên kiểm soát cân nặng hợp lý để bảo vệ khớp. Nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì, bệnh nhân cần giảm cân bằng việc tham gia các hoạt động thể chất và có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.
Gia đình cần xây dựng chế độ ăn khoa học cho người cao tuổi như tiết giảm các chất béo (dầu, mỡ các loại), chất ngọt (kẹo, bánh, chè, mứt, trái cây quá chín ngọt như xoài, nhãn, vải; các loại thức uống ngọt); tránh xa rượu và thuốc lá; bảo đảm bổ sung những chất chống lão hóa như vitamin E, vitamin A, canxi, vitamin C, vitamin D và các khoáng chất vi lượng như selenium, kẽm, magnesium... Khi thời tiết chuyển lạnh, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là cổ, ngực, tay, chân...
Bên cạnh chế độ ăn uống và luyện tập, người cao tuổi cần xây dựng thói quen khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần. Đặc biệt, cần đi khám ngay khi có triệu chứng đau khớp; tái khám định kỳ hằng tháng với các bệnh như gout, viêm khớp dạng thấp... để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ dính khớp (không hồi phục được) và không để các tổn thương lan rộng khó kiểm soát...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.