Theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh có 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 71km, tổng đầu tư hơn 89.000 tỷ đồng.
Ngày 11-7, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh công bố hình phối cảnh 5 tuyến đường trên cao, dự kiến được xây dựng nhằm giảm tình trạng ách tắc giao thông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hiện nay.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng 5 tuyến đường trên cao tại thành phố Hồ Chí Minh để phát triển giao thông. Theo đó, các tuyến có tổng chiều dài 70,7 km, chạy xuyên tâm và đến các hướng khác nhau, nhằm tăng lưu lượng phương tiện qua thành phố, nhưng không gây ách tắc giao thông.
Cũng theo quy hoạch này, năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành việc xây dựng 5 tuyến đường trên cao với tổng vốn đầu tư hơn 89.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 7-2023, chưa tuyến đường nào được khởi công xây dựng, dù thành phố đã tính đến nhiều phương án huy động đầu tư.
Theo quy hoạch, tuyến trên cao số 1 dài khoảng 9,5km qua các điểm tuyến hay ùn tắc giao thông tại các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Tuyến số 2 dài 11,8km, qua các trọng điểm giao thông các quận 3, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân.
Tuyến số 3 (giao với tuyến số 2) dài 8,1km, vượt các nút giao thông tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, 10 và huyện Bình Chánh. Tuyến số 4 dài 7,4km, giao với tuyến số 1, đi qua các quận 1, 12 và Bình Thạnh.
Tuyến số 5 dài 30,4km, tạo thành đường vành đai trên cao qua địa bàn các quận 12, Bình Tân; các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và thành phố Thủ Đức.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, để xây dựng 5 tuyến đường trên, thành phố sẽ phải giải tỏa một số lượng lớn các công trình xây dựng và bố trí số vốn khổng lồ.
“Đây là những việc phải cân nhắc, tính toán kỹ để chọn thời điểm phù hợp triển khai các dự án”, ông Trần Quang Lâm cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.