Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Phát triển du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu

Linh Tâm| 29/05/2020 14:10

(HNMCT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, việc tập trung phát triển du lịch nội địa là giải pháp để ngành Du lịch hồi phục cũng như hướng tới chiến lược phát triển trong tương lai.

Với chủ trương ấy, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu về chương trình này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể về Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”?

- Chương trình nhằm khôi phục thị trường du lịch nội địa và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong thời điểm du lịch quốc tế chưa hoạt động trở lại, việc đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa là ưu tiên số một.

Chương trình được đưa ra trên cơ sở tận dụng những thứ sẵn có như: Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, các sản phẩm, điểm đến và dịch vụ du lịch. Cùng với đó là sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp, các hiệp hội và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực: Vận chuyển, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, các điểm tham quan, bảo tàng, nhà hát... Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ đã liên kết tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng, an toàn, đáp ứng được yêu cầu trong trạng thái bình thường mới.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, khôi phục hoạt động du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phục hồi. Với hơn 95 triệu dân, việc khôi phục du lịch nội địa sẽ tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho người lao động để phát triển kinh tế. Đây là mục tiêu vô cùng quan trọng.

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” cũng nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của người Việt. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn đã giúp chúng ta vượt qua bao gian nan, thách thức trong quá khứ và giờ đây là chống “giặc” Covid-19.

- Để kích cầu du lịch nội địa, cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương như thế nào?

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tổ chức các sự kiện phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để truyền đạt thông điệp đến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội nhằm tạo thị trường nguồn với các sản phẩm thế mạnh như: Du lịch biển miền Trung; du lịch di sản; du lịch miền Tây; kích hoạt các tam giác phát triển Hà Nội - Hạ Long - Ninh Bình, Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng, Nha Trang - Bình Thuận - Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành Du lịch sẽ hỗ trợ, phối hợp với các địa phương để tổ chức hoạt động kết nối các doanh nghiệp theo hình thức “B to B” (Business to Business: Thuật ngữ dùng để chỉ hình thức buôn bán, kinh doanh, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp), “B to C” (Business to Custumer: Hình thức buôn bán giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng).

Mặt khác, hoạt động xúc tiến sẽ được thực hiện ở các thị trường nguồn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là sân chơi để các địa phương phối hợp với doanh nghiệp giới thiệu điểm đến, bán sản phẩm trong gói kích cầu, bán tour, voucher, vé máy bay... với giá ưu đãi để thu hút khách. Các hoạt động này sẽ giúp hoạt động du lịch sôi nổi trở lại từ kỳ nghỉ hè tới.

- Vậy các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này như thế nào?

- Các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật, con người; chuẩn bị phương án kết nối với nhà cung cấp dịch vụ, xây dựng các gói sản phẩm mới để tung ra thị trường đúng thời điểm “vàng”. Có thể thời gian đầu mức lợi nhuận chưa cao nhưng thị trường sẽ sớm “ấm” lên và các doanh nghiệp có thể tăng công suất hoạt động từ nửa cuối tháng 6-2020.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, ứng dụng công nghệ, tạo ra những xu hướng mới với sức sáng tạo lớn, có khả năng thích ứng tốt để xây dựng những sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Hội An vẫn là điểm du lịch thu hút du khách.

- Xu hướng mới nào được dự đoán sẽ thu hút khách trong thời gian tới?

- Du lịch nội địa thường gắn với đối tượng khách chính là các gia đình. Dự báo xu hướng sản phẩm phục hồi sớm là các kỳ nghỉ gắn với du lịch sinh thái, đồng quê, sức khỏe, golf... Một xu hướng khác đang nổi lên là du khách ngày càng chuộng các sản phẩm sạch, an toàn. Loại hình du lịch nghỉ dưỡng trên núi sẽ dần thay thế cho du lịch biển quá đông đúc. Xu thế đi xa bằng máy bay sẽ chưa phổ biến do nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại dịch. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới du lịch sinh thái, an toàn, ngắn ngày nhưng chất lượng.

- Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” sẽ có tác động thế nào trong việc quảng bá, thu hút khách quốc tế?

- Ngay từ bây giờ chúng ta đã phải chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu, từ nghiên cứu thị trường tới tái khởi động sản phẩm... Các doanh nghiệp phải chủ động tính phương án đầu tư cho sản phẩm, điểm đến với từng thị trường. Muốn vậy, doanh nghiệp phải kết nối với các hãng lữ hành gửi khách từ các thị trường, trao đổi trực tuyến về phương án xúc tiến ngay từ bây giờ. Muốn thu hút khách quốc tế thì sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, an toàn...

Với Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ngành Du lịch muốn truyền thông điệp về “Việt Nam an toàn” đến du khách quốc tế. Chúng ta được thế giới đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch, đó là lợi thế cạnh tranh lớn cần được tận dụng tối đa. Song song với đó, phải tiếp tục khởi động các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Các doanh nghiệp cần tự chuẩn bị “sức đề kháng” tốt để kịp thời ứng phó với khó khăn. Muốn vậy, doanh nghiệp phải có “sức khỏe” là tiềm năng kinh tế và chiến lược phát triển, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ là những chính sách về thị thực, giao thông, thương mại, ngoại giao... để chủ động lựa chọn thị trường khách chất lượng, có mức chi tiêu cao.

- Vượt qua thách thức của dịch Covid-19, có thể đúc kết những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

- Chúng ta đã rút ra nhiều bài học quý báu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành kinh doanh. Giờ đây, du lịch Việt Nam sẽ ứng dụng mạnh mẽ hơn việc triển khai du lịch số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hợp tác, liên kết chuỗi giá trị từ vận tải, hàng không đến khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan để tạo ra sự kết nối tối ưu. Bên cạnh đó là những kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ trực tuyến như: Liên kết trực tuyến, quảng bá trực tuyến. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng tìm ra hướng đi mới, thích ứng, đổi mới hoạt động, tái đầu tư để tạo ra sản phẩm, điểm đến mới...

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là yếu tố kích hoạt để ngành Du lịch từng bước phục hồi, vượt lên thách thức, tạo ra các yếu tố mới phù hợp với sự phát triển. Từ kinh nghiệm phục hồi và thúc đẩy du lịch nội địa sẽ định hình phong cách và đẳng cấp cho du lịch Việt Nam ở tầm cao mới, qua đó sẽ chi phối, dẫn dắt xu hướng du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

- Chân thành cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Phát triển du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.