Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không được quản lý

Thu Trang| 22/12/2021 13:18

(HNMO) - Sáng 22-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng.

 Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, nhất là khi xuất hiện biến chủng mới Omicron. Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin, nâng cấp hệ thống y tế…, nhất là không được để xảy ra tình trạng người dân có kết quả dương tính nhưng không tiếp cận được dịch vụ y tế.

Cần tuân thủ cách ly F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà để giảm tải

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến sáng 22-12, thế giới ghi nhận hơn 276 triệu ca mắc, gần 5,4 triệu ca tử vong. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, đã ghi nhận biến thể Omicron tại 89 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Do đó, hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Nhiều nước trên thế giới phải tăng cường các biện pháp hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, theo ông Phan Trọng Lân, đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc tại cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện nói trên, các hoạt động xã hội trở lại bình thường trong khi mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng và nhất là xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, không đeo khẩu trang nơi công cộng… Thêm vào đó, miễn dịch của những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần có thời gian sinh miễn dịch…

Toàn cảnh hội nghị 

“Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, sẵn sàng nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc điều trị, ô xy y tế; nhất là tuyến y tế cơ sở để người dân được tiếp nhận y tế từ sớm, từ xa. Đặc biệt, không để tình trạng người dân có kết quả dương tính nhưng không tiếp cận được dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tập trung mọi biện pháp phát hiện và ngăn chặn từ sớm các biến thể mới xâm nhập”, ông Phan Trọng Lân đề cập các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu vấn đề, để giảm quá tải cho hệ thống y tế, đối với các trường hợp F1 và F0 không triệu chứng, thể nhẹ, cần theo dõi ở nơi cư trú và tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế. Thế nhưng, hiện nay, một số địa phương vẫn đưa F1 đi cách ly tập trung. Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về đối tượng F1 tiêm đủ liều hoặc đã khỏi Covid-19 được cách ly y tế tại nhà 7 ngày. Do đó, các địa phương cần thực hiện việc điều chỉnh cách ly F1 theo hướng dẫn này của Bộ Y tế. Riêng đối với F0 thể nhẹ cần được theo dõi và hỗ trợ bằng các biện pháp Tây y và Đông y, kết hợp với phục hồi chức năng để nâng cao thể trạng, hạn chế bệnh chuyển biến nặng và tử vong.

Để đáp ứng cho công tác chống dịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý các địa phương phải bảo đảm tuân thủ phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài đáp ứng vấn đề nguồn nhân lực, các địa phương phải bảo đảm trang thiết bị, kít test sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm. Việc mua bán, đấu thầu kít xét nghiệm phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh để xảy ra vi phạm không đáng có. Khi mua các thiết bị, kít xét nghiệm… về phải sử dụng hiệu quả, tránh xảy ra tình trạng lãng phí.

Phải sẵn sàng tâm thế ứng phó với chủng Omicron

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước làn sóng dịch mới khi Omicron xuất hiện. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tốc độ lây lan của chủng mới này gấp từ 3-7 lần so với chủng Delta. Trong khi trước đây, chủng Delta, lây lan gấp chưa đến 2 lần chủng Alpha, đã tàn phá như vậy.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều nghiên cứu cũng chưa chứng minh được rõ ràng, chủng Omicron có dấu hiệu nhiễm nhẹ hơn. Thậm chí, dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ nhiễm chủng mới này. Ngay cả người nhiễm chủng Delta đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ lây nhiễm Omicron. Hiện chủng Omicron đã có tại Campuchia và Thái Lan. Dù hiện nay, biến chủng mới này chưa ghi nhận tại Việt Nam nhưng chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng như chủng vi rút mới này đã có mặt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị

Trước diễn biến dịch hiện nay, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tiêu chí cấp độ dịch được quy định tại Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế không còn phù hợp. Do đó, Bộ Y tế phải khẩn trương có hướng dẫn mới. Trong khi chưa có hướng dẫn mới, các tỉnh, thành phố nếu thấy nguy cơ dịch ở địa phương mình cao hơn thì cần trao đổi với Bộ Y tế và được nâng cấp độ dịch lên trên một mức hoặc cao hơn nữa. Bên cạnh đó, nước ta phải đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là tiêm mũi tăng cường (mũi 3) cho người dân.

“Trước đây, do khó khăn về vắc xin nên Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn ưu tiên tiêm cho nhóm người bệnh nền và người trên 50 tuổi. Thế nhưng, hiện nay nước ta đã bảo đảm đủ vắc xin, tinh thần chỉ đạo phải tiêm cho tất cả mọi người, trừ những trường hợp chống chỉ định, đặc biệt không được để sót người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Với mũi 3 cũng vậy, đến hạn là tiêm, không phân biệt đối tượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về thuốc điều trị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện đã có túi thuốc A, B, C. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các địa phương đề xuất việc cấp thuốc phù hợp với tình hình dịch, đồng thời, sử dụng hiệu quả các loại thuốc điều trị hiện có, bảo đảm người dân được tiếp cận sớm với thuốc điều trị, tránh tình trạng bệnh tăng nặng và tử vong. Đặc biệt, không được để xảy ra tình trạng ưu tiên người này được uống thuốc, người kia được uống thuốc…

Từ kinh nghiệm chống dịch trên thực tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, muốn phòng, chống dịch hiệu quả cần phải sẵn sàng từ cơ sở. Nếu sẵn sàng từ cơ sở, thực hiện có hiệu quả việc cách ly, điều trị tại nhà sẽ giúp giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Để làm được điều này thì yêu cầu đặt ra là thuốc điều trị phải sẵn sàng, vắc xin phải được tiêm hết cho người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, điều trị tại nhà cũng xảy ra tỷ lệ rất nhỏ người đã được tiêm, được uống thuốc vẫn chuyển biến nặng. Do đó, y tế cơ sở phải hướng dẫn họ khi bị nặng phải được đến bệnh viện. Đây là điều rất quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực ở cơ sở. Hệ thống y tế cơ sở, y tế lưu động tại các địa phương phải quản lý được từng người bệnh. Không được để xảy ra tình trạng người bị bệnh không được ai quản lý.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không được quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.