Xã hội

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại đèo Bảo Lộc

Nhóm phóng viên 31/07/2023 - 12:11

Sáng 31-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp đến điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc.

a917.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp thị sát tại hiện trường.

Sau khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra từ chiều 30-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đánh giá cao tinh thần khẩn trương, hiệu quả bước đầu công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần làm việc quên mình của lực lượng chức năng trong tìm kiếm người bị đất vùi và dọn nhanh hàng nghìn mét khối đất đá để thông đường đèo từ rạng sáng 31-7.
Ngay từ hiện trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ đạo các lực lượng nỗ lực triển khai các công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng vừa tích cực, khẩn trương, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng làm nhiệm vụ.

a918.jpg
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều vấn đề cụ thể trong khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cũng trong sáng 31-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã đến động viên, chia buồn cùng gia đình Thượng úy Lê Văn Sáng tại thành phố Bảo Lộc. Đây là một trong 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Giao thông tỉnh Lâm Đồng, đã hy sinh ngày 30-7 trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc.

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, ngay sáng 31-7, Bộ Công an đã có quyết định truy thăng quân hàm 3 cán bộ, chiến sĩ Trạm Cảnh sát Giao thông Madaguôi hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc. Cụ thể: Thăng quân hàm cho Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi) lên Trung tá; thăng quân hàm cho Thượng úy Lê Quang Thành (46 tuổi) lên Đại úy; thăng quân hàm cho Thượng úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) lên Đại úy.

a916.jpg
Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc sáng 31-7.

Sáng 31-7, Đài Khí tượng - Thủy văn Tây Nguyên phát đi cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ lũ trên hệ thống sông La Ngà. Theo đó, trong ngày hôm nay, lũ sẽ đạt đỉnh, vượt mức báo động 3 khoảng 0,5m, chỉ còn cách đỉnh lũ lịch sử năm 1989 khoảng 0,5m. Những vùng có nguy cơ ngập lụt gồm nhiều xã và thị trấn thuộc các huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Di Linh của tỉnh Lâm Đồng.

a915.jpg
Nhiều khu vực của thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông bị ngập nước.

Cũng do mưa lớn, nhiều địa phương Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng bị lũ lụt. Đơn cử, tại tỉnh Đắk Nông, tính đến sáng 31-7, một số khu dân cư ven suối tại thành phố Gia Nghĩa đã bị ngập nước. Trong đó, các phường Nghĩa Tân và Quang Trung ngập sâu nhất. Nước tràn vào nhà dân gây nhiều thiệt hại về tài sản. Một số tuyến đường tạm ngưng lưu thông vì nước lũ.

a919.jpg
Nước lũ tràn vào một nhà dân ở thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Dự báo mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống Nam Tây Nguyên trong ngày 31-7 và những ngày tiếp theo. Chính quyền các địa phương trong khu vực đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, cố gắng giảm thiểu ở mức thấp nhất hậu quả mưa lũ.

a920.jpg

Sáng 31-7, tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), sau 2 ngày mưa lớn, một cây bàng di sản đã bị gãy đổ. Mưa lớn cũng khiến một khối đá lớn trên núi lăn xuống đường đoạn Mũi Cá Mập xuống Cảng Bến Đầm, Côn Đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại đèo Bảo Lộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.