Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh: ''Sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ''

Đình Hiệp| 05/11/2022 10:11

(HNMO) - Sáng 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, phát biểu một số vấn đề đại biểu nêu về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tinh giản biên chế…, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ đây là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu.

Tiếp tục tinh giản biên chế để cải cách tiền lương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, giai đoạn 2019-2021 giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước. Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng chí Phạm Bình Minh cũng báo cáo thêm về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành. Đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo đó dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ.

 Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-11.

Về vấn đề tinh giản biên chế được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, đây cũng là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương. Chính phủ tới đây sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính. Đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất, quan tâm đến việc bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Chưa quyết liệt thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp

Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành Y tế, Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân, như chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; do ảnh hưởng đại dịch Covid-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt…

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác tự chủ đơn vị sự nghiệp cần thực hiện một số giải pháp như: Tổ chức hội nghị đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp để có cái nhìn tổng quát, khơi thông những bế tắc; rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; các bộ, ngành địa phương, các đơn vị sự nghiệp cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ. Về giải pháp khắc phục tình trạng tinh giản biên chế cơ học, xây dựng nền công vụ tinh gọn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp luật, thay thế Nghị định cũ đảm bảo thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các đại biểu về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP, trong đó xác định là tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện. Việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ để từ đó xác định được các nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động.

Về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo về mặt kinh phí. Đối với các dịch vụ mà cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Đối với dịch vụ mà đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia. Cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai hay về đấu thầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề phân cấp quản lý trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về mô hình trung tâm y tế cấp huyện thực hiện đa chức năng, Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ quan y tế cấp huyện, theo hướng các cơ sở này hoạt động đa chức năng, quản lý hệ thống trạm y tế cấp xã.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh. Trong đó có quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định việc chuyển các trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về nội vụ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy những kết quả mà ngành Nội vụ đạt được, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành cần sớm thực hiện một số giải pháp khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng; xây dựng vị trí việc làm, hoàn thành các định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng đơn giá, khẩn trương phê duyệt đề án tự chủ, đặc biệt lĩnh vực y tế giáo dục; hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực công…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh: ''Sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.