Nếu qua phố Hiến (Hưng Yên) bây giờ, kể cả có một người dẫn đường là dân thổ cư, thì khó ai có thể hình dung nổi đây là chốn “trên thuyền dưới nước”, nơi “đô hội Tiểu Trường An của bốn phương” thế kỷ 17-18 của Đàng Ngoài.
Giờ đây, xen kẽ trong những kiến trúc hiện đại, những di tích mới được trùng tu là những ngôi nhà cổ lạc lõng, những khuôn viên rêu xanh phủ kín. Khái niệm “Phố Hiến” chỉ còn lại trong tiềm thức. Dường như bao nhiêu nỗ lực của ngành Văn hóa cũng khó có thể giúp du khách có được một diện mạo của Phố Hiến xưa.
Vào thời điểm này, dự án “Bảo tồn, tôn tạo Phố Hiến giai đoạn 2” đang được tỉnh Hưng Yên gấp rút thực hiện. Với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 53 tỉ đồng ( nguồn ngân sách TƯ). Trong đó, 33 tỉ đồng dành cho các di tích gốc, phần còn lại dành cho việc giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng... Theo đúng kế hoạch vào năm 2007, Phố Hiến sẽ trở thành một quần thể di tích chỉn chu với công viên văn hóa trên tổng diện tích 7ha. Để thực hiện được dự án đồ sộ này, 40 hộ gia đình (2,6 ha) phải di dời, theo kế hoạch đến cuối năm 2006 sẽ hoàn tất việc giải phóng mặt bằng. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Hưng Yên, công việc giải phóng mặt bằng hoàn toàn thuận lợi.
Như chúng ta đã biết, Phố Hiến là một đô thị xưa hình thành và phát triển rất nhanh từ thế kỷ 16, cực thịnh vào thế kỷ 17. Tuy tồn tại trong thời gian không dài, nhưng đô thị này đã kịp để lại cho chúng ta 60 di tích kiến trúc - văn hóa, gần 100 bia kí và hàng ngàn cổ vật. Tất nhiên, trong phạm vi dự án (chia làm 2 giai đoạn) trên, chỉ ưu tiên 6 di tích đặc biệt quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến (Võ Miếu; Đền Mây; Thiên hậu cung thượng phố; Đông Đô - Quảng Hội - Chùa Nễ Châu; Văn Miếu...). Khó có thể khẳng định sự “bảo tồn nguyên trạng” được thực hiện như thế nào ở các di tích lịch sử quan trọng đang được trùng tu. Chỉ biết rằng, bên cạnh những căn nhà không mấy khang trang trong khu vực Phố Hiến là “sơn son thếp vàng”, những mái đình cong lượn kiểu cách đang được thi công không quản ngày đêm.
Bên cạnh Võ Miếu - thờ ba tướng quân Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi thời Tam Quốc - tín ngưỡng truyền thống của người Hoa (xin được đặc biệt lưu ý hầu hết những di tích ởPhố Hiến đều phản ánh đời sống của người Hoa vào thế kỷ 17 - 18 khi họ đến Phố Hiến làm ăn) là nhà thờ của dòng họ Ôn - một căn nhà mà nhìn vào kiến trúc, khuôn viên, người ta đã biết nó chứa đựng trong đó cả một câu chuyện dài của lịch sử gia đình và dòng họ.
Lương y Ôn Đức Thành - dòng họ Ôn là một trong 14 dòng họ người Hoa có mặt sớm nhất ở Phố Hiến - giờ đây chỉ còn lại 6-7 dòng họ với hai nhà thờ (họTiết, Ôn) - không chỉ là một thầy thuốc mà còn là một người say mê nhiếp ảnh.
Trong số người nước ngoài có mặt ở Phố Hiến vào thế kỷ 16, người Hoa chiếm ưu thế tuyệt đối, vừa buôn bán vừa tham gia sản xuất một số mặt hàng thủ công, làm môi giới cho thuyền buôn nước ngoài. Họ đến từ các tỉnh phía nam Trung Quốc, đông nhất là Phúc Kiến với 14 dòng họ. Người Hoa cư trú và hòa nhập vào cộng đồng người Việt gọi là người Minh Hương, nhưng tất cả giờ đây chỉ còn lại những ghi chép, ký ức của không nhiều người Hoa sống tại Phố Hiến.
Lương y Ôn Đức Thành ngậm ngùi: “Bây giờ Hội quán Minh Hương - nơi gặp gỡ hàng năm của người Hoa ở Phố Hiến không còn nữa”. Gia tộc họ Ôn gốc ở Trần Châu - Phúc Kiến, sang Phố Hiến làm nghề thuốc và dạy học. Nghề truyền thống được truyền đếnđời cháu của ông - tức là đời thứ 9 của dòng họ Ôn ởPhố Hiến. Từ căn nhà cũ kỹ của mình, ông đưa tôi vào từ đường dòng họ Ôn - một kiến trúc trên 100 năm, chứng kiến bao thăng trầm của dòng họ, và trải qua thời tiêu thổ kháng chiến, bom đạn ác liệt. ÔngThành cho biết : “Vào thời gian tiêu thổ kháng chiến, ông nội của ông đã dỡ toàn bộ nhà thờ, sau đó dựng lại”. Cũng tại từ đường này, tôi được nhìn văn tự mua bán đất (giá trị 20 quan, tiền thời Minh Mạng) của cụ tổ họ Ôn khi đến Phố Hiến lập nghiệp và “Ôn phả bi kí diễn ca” (bài ca về dòng họ Ôn) do Ôn Văn Khâm - ông nội của ông Thành thảo bằng chữ Nôm trên nền giấy dó. Từ kiến trúc, hiện vật, thư tịch còn để lại có thể thấy đây là một phần lịch sử còn lại của Phố Hiến.
Nhưng rất đáng tiếc, trong dự án đồ sộ nhiều tỉ đồng trên, thì nhà thờ họ, nhà cổ tại Phố Hiến chưa “thuộc diện được đầu tư tôn tạo, nâng cấp”. Dẫu rằng, giờ đây nếu đến Phố Hiến, tôi chắc một điều du khách sẽ tìm về nhà thờ họ Ôn để được nghe ông Ôn Đức Thành - một lương y say mê nhiếp ảnh kể lại những câu chuyện mà ông chứng kiến (hoặc được nghe kể lại) hơn là vào những di tích đã và đang được đại trùng tu. Đưa việc này, trao đổi cùng ông Thành, tôi được biết thêm ngành Văn hóa tỉnh Hưng Yên cũng đã có gợi ý (tôi không tiện hỏi, bằng văn bản hay... miệng): “Nếu sửa chữa lại nhà thờ thì sẽ ủng hộ kinh phí, nhưng gia đình phải giữ lại nguyên kiến trúc”. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, gia đình ông chưa có nhu cầu sửa chữa gì. Còn ngành Văn hóa, chắc là họ vẫn giữ nguyên quan điểm, ưu tiên các di tích quan trọng để hình thành những tour du lịch trọng điểm?
Phạm Hải
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.