(HNM) - Từ năm 2007 trở đi, TP Hưng Yên đều tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến hằng năm nhằm quảng bá hình ảnh Phố Hiến xưa - TP Hưng Yên hôm nay đến nhân dân và du khách thập phương.
Đua thuyền trên hồ Bán nguyệt |
Phố Hiến xưa kia là một thương cảng sầm uất, nổi tiếng với câu ca "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Thời đó, tàu thuyền, thương nhân từ hơn 10 nước tới giao thương, buôn bán tạo nên không khí náo nhiệt "trên bến dưới thuyền". Thời kỳ hưng thịnh nhất của Phố Hiến là vào cuối thế kỷ XVI và XVII. Nếu Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay) có 36 phố phường thì Phố Hiến khi ấy có 23 phố phường và được ví như "Tiểu Tràng An". Cùng với hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến nơi đây những phong tục tập quán, kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa riêng của từng quốc gia, từng dân tộc. Điều này khiến Phố Hiến vừa là điểm hội tụ vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hóa, hình thành nên nét văn hóa đặc sắc riêng của đất và người Phố Hiến. Trải qua biến cố của thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến nay là TP Hưng Yên giờ không còn là cửa biển như trước kia với cảnh buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền, nhưng các di tích, danh thắng, những giá trị văn hóa ghi dấu một thời của "Tiểu Tràng An" vẫn còn khá nguyên vẹn. Tại đây còn bảo tồn được trên 60 di tích, hàng trăm bia ký, hàng nghìn cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Các di tích này gồm đình, đền, chùa, miếu phân bố ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích đặc trưng với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Ngoài các công trình liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, Phố Hiến hiện còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến đời sống sinh hoạt của người Phố Hiến xưa như chợ, giếng, nghĩa địa người nước ngoài và nhiều di vật quý báu, ẩn chứa các dấu tích lịch sử, văn hóa. Với quần thể di tích lịch sử văn hóa có mật độ lớn, đa dạng, Phố Hiến hình thành hệ thống các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống phong phú. Mỗi lễ hội có nét độc đáo gắn với tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng riêng của địa phương, làm hài lòng du khách khi tới tham quan, chiêm bái.
Đến với lễ hội, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội mà còn là dịp để du khách thưởng ngoạn, tìm hiểu về các di tích lịch sử - văn hóa vốn được xem là điểm nhấn về du lịch Phố Hiến. Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn), nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân Hưng Yên và cả vùng Sơn Nam Thượng, xét về quy mô, giá trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được, chỉ đứng sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và Văn Miếu ở cố đô Huế. Tại đây hiện còn lưu giữ 9 bia đá ghi danh 161 vị đại khoa, trong đó có 8 trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa. Cách đó không xa là chùa Chuông, đền Mây. Chùa Chuông thuộc phường Lam Sơn có tên chữ là "Kim Chung tự" (chùa Chuông Vàng). Chùa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật cổ vốn có. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Theo sách "Hưng Yên tỉnh nhất thống chí" của Trịnh Như Tấu có ghi: "Chùa Chuông Phố Hiến đẹp nhất danh lam" để khẳng định vẻ đẹp của ngôi chùa độc đáo này. Đền Mây thuộc địa phận thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn thờ tướng quân Phạm Phòng Át tức Phạm Bạch Hổ, vị tướng tài trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ (đầu thế kỷ thứ X). Phường Quang Trung, nơi có hồ Bán nguyệt nổi tiếng đã đi vào thơ ca của không ít tao nhân mặc khách, danh sĩ của mọi miền đất nước, du khách có thể tới thắp hương, chiêm bái tại đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu. Đền Trần nằm trên đường Bãi Sậy ngày nay và là trung tâm của Phố Hiến xưa. Tương truyền mảnh đất này trước đây là nơi đóng quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Liền đó là đền Mẫu, nơi thờ bà Quý phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thủy với vương triều, dòng tộc. Đây là ngôi đền có cảnh quan đẹp với phía trước là mặt hồ Bán nguyệt trong xanh, trong sân có cây cổ thụ gồm 3 cây đa, sanh, si có niên đại gần 700 tuổi đan quấn vào nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền, tạo cho đền vẻ linh thiêng, kỳ bí. Xuôi một chút về phía nam là Phố Hiến cổ với cụm di tích đình - chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội. Tại đây còn lưu giữ nhiều tượng và hiện vật quý. Trước sân chùa có hai tấm bia đá ghi lại tư liệu về quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Bên cạnh đó là cây nhãn Tổ. Tương truyền đây là cây quý mã đẹp, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon đặc sắc được dùng để tiến vua... Và còn nhiều di tích khác với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc có sức thu hút du khách.
Nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của cha ông để lại, từ nhiều năm nay, TP Hưng Yên đã phục dựng và tổ chức các lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến. Đây là năm thứ 7 TP Hưng Yên tổ chức lễ hội này. Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, năm nay lễ hội sẽ được tổ chức với quy mô lớn. Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND TP Hưng Yên thì Lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến năm nay sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ 15 đến 17-4 (tức từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Ba âm lịch). Lễ khai mạc sẽ được tổ chức tại Quảng trường trung tâm tỉnh, nơi hội tụ các đầu mối giao thông với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Mở đầu chuỗi các sự kiện diễn ra trong lễ hội sẽ là phần tế lễ, như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu của các di tích. Đây là các nghi thức nhằm khôi phục, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở các đình, đền, chùa, miếu… Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như văn hóa ẩm thực, thi cầu kiều, kéo co, chọi gà, cờ tướng, bơi chải, đốt pháo bông nghệ thuật, đàn và hát dân ca; hội thi thả diều sáo, trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng Phố Hiến; trưng bày, giới thiệu cổ vật… Đến với lễ hội, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn dân gian đặc sản ở Hưng Yên như bún thang, chè sen long nhãn… mà còn trực tiếp được xem cách chế biến các món ăn này qua bàn tay dịu dàng, cần mẫn của các chị em phụ nữ đất nhãn. Ngoài được thưởng ngoạn các di tích lịch sử văn hóa, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội mang đặc trưng riêng chỉ có ở Hưng Yên. Và đặc biệt là chương trình biểu diễn nghệ thuật "Phố Hiến, ánh sáng trong trầm tích phù sa sông Hồng" trong đêm khai mạc lễ hội với những trích đoạn sử thi kèm theo các tiết mục nghệ thuật đặc sắc gợi lại hình ảnh Phố Hiến xưa, khắc họa chân dung những con người đất nhãn, ca ngợi quê hương Hưng Yên văn hiến và cách mạng…
Mùa lễ hội tháng ba trên địa bàn TP Hưng Yên, sau khai mạc lễ hội vùng, một loạt các di tích như đền Trần, đình Hiến, đền Mẫu, đình An Vũ, đền Tân La, đền Thiên Hậu, đền Mây… lần lượt được tổ chức khiến không gian lễ hội như một dòng chảy liên tiếp kéo dài mãi. Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, âm nhạc và các trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất "Tiểu Tràng An" xưa. Đây cũng là dịp để TP Hưng Yên quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử, lễ hội… nhằm không ngừng góp phần bảo tồn và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.